Bộ Quốc phòng vào cuộc, Australia có thể cưỡng chế hủy bỏ cho Trung Quốc thuê cảng Darwin 99 năm
Sau khi hủy bỏ thỏa thuận 'Vành đai và Con đường' ký giữa bang Victoria và Trung Quốc, chính phủ Australia đã quyết định xem xét, có thể hủy hợp đồng cho công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin 99 năm.
Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 3/5, Tờ Sydney Morning Herald của Australia ngày 2/5 đưa tin, chính quyền của Thủ tướng Scott Morrison đã yêu cầu Bộ Quốc phòng Australia vào cuộc xem xét lại hợp đồng thuê cảng Darwin 99 năm của Tập đoàn Lam Kiều (Landbridge) của Trung Quốc, đồng thời xem xét việc có cưỡng chế công ty Trung Quốc từ bỏ quyền thuê cảng này hay không.
Tin cho biết, các quan chức của Bộ Quốc phòng Australia đang điều tra và xem xét liệu Tập đoàn Lam Kiều có bị cưỡng chế phải từ bỏ quyền thuê cảng hay không. Căn cứ mà phía Australia sử dụng là “The Security of Critical Infrastructure Act 2018” (Luật An ninh Cơ sở hạ tầng quan trọng 2018) đã được Australia ban hành vào năm 2018, cho rằng việc cho các công ty Trung Quốc thuê cảng sẽ mang lại rủi ro về an ninh quốc gia.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton tuyên bố rằng Hội đồng An ninh Quốc gia của chính phủ của Thủ tướng Morrison đã chỉ thị Bộ Quốc phòng "quay lại với các đề xuất và tiếp tục công việc".
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton (Ảnh: DPA).
Khi được hỏi ltrong tất cả các lựa chọn có bao gồm việc buộc (các công ty Trung Quốc) thoái vốn hay không, ông Dutton nói rằng chính phủ cần chờ đợi các khuyến nghị của Bộ Quốc phòng, "sau khi lắng nghe các khuyến nghị, chúng tôi có thể xem xét lựa chọn cách phù hợp với lợi ích quốc gia của chúng ta".
Thủ tướng Scott Morrison trước đó đã ám chỉ rằng chính phủ Liên bang Australia sẽ hành động về quyền thuê cảng nếu nhận được các khuyến nghị từ Bộ Quốc phòng hoặc Bộ An ninh Quốc gia.
Ông Michael Shoebridge, Giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách Australia (ASPI), tuyên bố rằng ông ủng hộ việc buộc Tập đoàn Lam Kiều phải thoái vốn, nhưng "công ty này nên xem xét chủ động làm điều này”.
Tin cho biết, vào năm 2015, chính quyền của Lãnh thổ phía Bắc (Northern Territory, NT) của Australia và Tập đoàn Lam Kiều của Trung Quốc đã ký hợp đồng cho thuê trị giá 506 triệu AUD (đô la Australia) với thời hạn thuê 99 năm. Thỏa thuận này cho phép công ty Trung Quốc kiểm soát toàn bộ hoạt động vận hành kinh doanh của cảng trong thời hạn thuê và quyền sở hữu 80% đất đai và thiết bị ở cầu cảng East Arm của Darwin.
Về vấn đề này, Reuters ngày 3/5 đưa tin rằng việc Australia xem xét lại cảng Darwin có thể làm căng thẳng thêm quan hệ Trung Quốc - Australia.
Thủ tướng Australia Scott Morrison theo đuổi chính sách cứng rắn với Trung Quốc (Ảnh: ABC).
Ông Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng bản chất của việc hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Trung Quốc - Australia là các bên cùng có lợi và cùng thắng. Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các công ty Trung Quốc thực hiện hợp tác đầu tư ở nước ngoài theo nguyên tắc thị trường và quy tắc quốc tế, trên cơ sở tuân thủ luật pháp nước sở tại, đồng thời kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc đầu tư và hoạt động ở nước ngoài.
Điều đáng nói là chính phủ Australia ngày 21/4 đã thông báo hủy bỏ hai hiệp nghị “Vành đai và Con đường” đã ký với Trung Quốc; cả hai hiệp định này đã được chính phủ bang Victoria kí với Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, một hiệp nghị được kí kết vào tháng 10/2018; hiệp nghị còn lại là một thỏa thuận khung được ký kết vào tháng 10/2019.
Ngày 22/4, Chính phủ Australia bày tỏ, quyết định hủy bỏ hai thỏa thuận giữa bang Victoria và Trung Quốc về sáng kiến “Vành đai và Con đường” là để đảm bảo tính nhất quán trong quan hệ đối ngoại của Australia và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào.
Mỹ chấp thuận bán 12 máy bay MQ-9B cho Australia được cho là nhằm vào Trung Quốc (Ảnh: 163.com).
Ngoài ra, theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 3/5, sau khi chấp thuận việc bán 12 máy bay không người lái MQ-9B trị giá 1 tỷ 651 triệu USD cho Australia, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố tiếp việc bán cho Australia các vũ khí bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams trị giá 1,685 tỉ USD và máy bay trực thăng CH-47 trị giá 259 triệu USD. Theo đó, Australia sẽ nhận 75 xe tăng M1A2, 29 xe đột kích phá hàng rào M1150, 18 xe đột kích bắc cầu liên hợp M1074, 6 xe cứu hộ bọc thép M88A2, 122 bộ động cơ AGT1500; 4 trực thăng CH-47, 8 động cơ T55-GA-714A và 5 hệ thống cảnh báo sớm tên lửa...
Trang tin Đông Phương cho rằng những động thái này của Australia đều nhằm vào Trung Quốc.