Bộ Quốc phòng xây dựng Nghị định quy định về quản lý tàu bay không người lái

Bộ Quốc phòng đang dự thảo Nghị định quy định về quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay khác để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Xây dựng Nghị định là cần thiết

Bộ Quốc phòng cho biết, Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện siêu nhẹ (Nghị định số 36/2008/NĐ-CP) có hiệu lực từ ngày 19/4/2008. Nghị định số 36/2008/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý cho việc cấp phép, tổ chức quản lý các hoạt động bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; đảm bảo quốc phòng, an ninh, an toàn bay và trật tự an toàn xã hội; cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng loại phương tiện bay này trong các lĩnh vực đời sống xã hội.

Tuy nhiên, sau hơn 16 năm các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ đã có nhiều thay đổi, phát sinh nhiều quan hệ mới cần bổ sung, điều chỉnh; bên cạnh đó, một số nội dung quy định tại Nghị định số 36/2008/NĐ-CP không còn phù hợp, bộc lộ hạn chế, bất cập. Do đó, việc xây dựng Nghị định quy định về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay khác là cần thiết.

Về bố cục, dự thảo Nghị định gồm 8 chương, 37 điều. Dự thảo Nghị định quy định cụ thể về điều kiện đăng ký phương tiện bay. Trong đó quy định, tàu bay không người lái có trọng lượng cất cánh tối đa từ 0,25 ki-lô-gam trở lên và phương tiện bay khác phải đăng ký trước khi đưa vào sử dụng.

Có giấy tờ chứng minh về sở hữu hợp pháp phương tiện bay.

Phương tiện bay phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ Quốc phòng hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc tế được Bộ Quốc phòng công nhận.

Trường hợp phương tiện bay cá nhân tự lắp ráp, chế tạo sau ngày Nghị định này có hiệu lực, thì không giải quyết đăng ký.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng đề xuất quy định về điều kiện khai thác, sử dụng phương tiện bay. Theo đó, phương tiện bay phải có Giấy chứng nhận đăng ký hoặc Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời còn hiệu lực, trừ tàu bay không người lái có trọng lượng cất cánh tối đa nhỏ hơn 0,25 ki-lô-gam.

Người trực tiếp điều khiển phương tiện bay phải đủ 18 tuổi trở lên (trừ người trực tiếp điều khiển phương tiện bay có trọng lượng cất cánh tối đa nhỏ hơn 0,25 ki-lô-gam); trong máu, hơi thở không có nồng độ cồn, ma túy, chất gây ngủ, các chất bị cấm theo quy định của pháp luật.

Người trực tiếp điều khiển tàu bay không người lái có trọng lượng cất cánh tối đa từ 0,25 ki-lô-gam trở lên phải có Giấy phép điều khiển bay quan sát bằng trực quan; trường hợp điều khiển tàu bay không người lái có trọng lượng cất cánh tối đa từ 2 ki-lô-gam trở lên; thực hiện đo đạc, khảo sát, phục vụ trong nông nghiệp, bay ngoài tầm nhìn trực quan, bay theo chương trình cài đặt sẵn thông qua bộ điều khiển trung tâm phải có Giấy phép điều khiển bay quan sát bằng thiết bị do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp hoặc bằng, Chứng chỉ quốc tế được Việt Nam công nhận.

Trường hợp một người điều khiển đồng thời từ 2 tàu bay không người lái trở lên thì phải chứng minh được khả năng của công nghệ đáp ứng được các yêu cầu đảm bảo an toàn khi bay (thể hiện trong thông số kỹ thuật của hệ thống vận hành thiết bị bay).

 Dự thảo Nghị định quy định, tàu bay không người lái có trọng lượng cất cánh tối đa từ 0,25 ki-lô-gam trở lên và phương tiện bay khác phải đăng ký trước khi đưa vào sử dụng. (Ảnh minh họa)

Dự thảo Nghị định quy định, tàu bay không người lái có trọng lượng cất cánh tối đa từ 0,25 ki-lô-gam trở lên và phương tiện bay khác phải đăng ký trước khi đưa vào sử dụng. (Ảnh minh họa)

Người trực tiếp sử dụng phương tiện bay khác phục vụ hoạt động thể thao, ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định trên, phải đáp ứng các điều kiện bổ sung theo quy định của pháp luật lĩnh vực thể dục, thể thao.

Người nước ngoài trực tiếp điều khiển phương tiện bay tại Việt Nam ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định trên, phải có đại diện cơ quan hoặc tổ chức, cá nhân là người Việt Nam bảo lãnh, hỗ trợ (gồm thủ tục đề nghị cấp phép bay, hiệp đồng bay, tổ chức bay, giải quyết tranh chấp khiếu nại phát sinh trong quá trình tổ chức bay).

Quy định cụ thể về các hành vi vi phạm

Dự thảo Nghị định quy định về các hành vi vi phạm. Cụ thể: Trong tổ chức hoạt động bay của phương tiện bay, gồm: 1. Tổ chức bay khi phương tiện bay chưa được đăng ký, Giấy chứng nhận đăng ký hết niên hạn; chưa được cấp phép bay hoặc phép bay đã hết hiệu lực hoặc chưa hiệp đồng bay theo quy định tại Nghị định này.

Tổ chức bay khi người trực tiếp khai thác, sử dụng hoặc phương tiện bay chưa đáp ứng tiêu chuẩn đủ điều kiện bay.

Tổ chức bay không đúng mục đích, khu vực, độ cao, thời gian quy định trong phép bay.

Điều khiển phương tiện bay từ một phương tiện khác đang di chuyển.

2. Sử dụng phương tiện bay mang chở chất cấm, chất gây hại, vũ khí, vật liệu nổ; vận chuyển hàng hóa trên phương tiện bay khi không được phép.

3. Sử dụng phương tiện bay phóng, bắn, thả từ trên không chất cấm, chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại khi không được phép.

4. Lắp đặt, sử dụng thiết bị thu, phát sóng vô tuyến điện trên phương tiện bay không tuân thủ quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện; sử dụng phương tiện bay thực hiện quay phim, chụp ảnh, thu thập, phát tán thông tin trái pháp luật.

5. Treo cờ, biểu ngữ, thả tờ rơi, phát loa tuyên truyền trái quy định của pháp luật.

6. Không chấp hành lệnh, hiệu lệnh của cơ quan quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay.

7. Sử dụng phương tiện bay gây cản trở hoặc mất an toàn cho các phương tiện bay khác; vi phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

8. Cung cấp thông tin thiếu trung thực trong hồ sơ đề nghị cấp phép, đăng ký phương tiện bay, gồm:

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với cơ sở nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện bay.

Hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập phương tiện.

Hồ sơ đề nghị cấp phép bay và cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bay.

9. Sản xuất (lắp ráp, chế tạo) phương tiện bay khi chưa được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

10. Sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, kinh doanh phương tiện bay; trang bị, thiết bị của phương tiện bay không phù hợp với giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện của cơ quan có thẩm quyền cấp.

Về phân loại phương tiện bay, theo dự thảo Nghị định: 1. Phân loại tàu bay không người lái theo trọng lượng cất cánh: a) Loại 1 nhỏ hơn 0,25 ki-lô-gam; b) Loại 2 từ 0,25 ki-lô-gam đến nhỏ hơn 2 ki-lô-gam; c) Loại 3 từ 2 ki-lô-gam đến nhỏ hơn 25 ki-lô-gam; d) Loại 4 từ 25 ki-lô-gam đến nhỏ hơn 150 ki-lô-gam; đ) Loại 5 từ 150 ki-lô-gam trở lên. 2. Phân loại tàu bay không người lái theo phương pháp điều khiển: a) Điều khiển bay quan sát bằng trực quan; b) Điều khiển bay quan sát bằng thiết bị. 3. Phân loại tàu bay không người lái theo mục đích sử dụng: a) Thương mại; b) Phục vụ sản xuất nông nghiệp; c) Đo đạc, khảo sát, giám sát từ trên cao; d) Vui chơi, giải trí; đ) Nghiên cứu khoa học; e) Huấn luyện bay; g) Công vụ; h) Mục đích khác. 4. Phân loại phương tiện bay khác theo động cơ: a) Có động cơ; b) Không có động cơ. 5. Phân loại phương tiện bay khác theo phương pháp điều khiển: a) Có người trực tiếp điều khiển; b) Không có người trực tiếp điều khiển.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/chinh-sach-moi/bo-quoc-phong-xay-dung-nghi-dinh-quy-dinh-ve-quan-ly-tau-bay-khong-nguoi-lai-172401.html