Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông - nền tảng cho sự ổn định của khu vực

Trong 3 ngày 22-24/8 vừa qua, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc tiến hành vòng đàm phán mới về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) tại thủ đô Manila của Philippines. Theo thông tin báo giới, đàm phán đã một số tiến triển nhưng nhìn chung vẫn chưa có đột phá, dù Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng tăng tốc đàm phán.

Diễn ra vào thời điểm Philippines đón hải quân các nước Mỹ, Nhật, Australia tới tham gia cuộc tập trận chung, những căng thẳng gần đây liên quan tới biển Đông nêu bật vấn đề gai góc nhất khi các bên đàm phán COC. Biển Đông là một vùng biển có ý nghĩa chiến lược đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực và là nơi vừa tồn tại các tranh chấp thực sự và các yêu sách phi lý, trái với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển của LHQ (UNCLOS) 1982. Do đó, việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực biển Đông đã không chỉ là ưu tiên và quan tâm của các nước có liên quan trực tiếp, các nước trong khu vực mà còn của cả cộng đồng quốc tế.

Vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, diễn biến ở khu vực biển Đông hết sức căng thẳng, đã xảy ra nhiều cuộc va chạm, đụng độ, thậm chí cả việc sử dụng vũ lực để thôn tính lãnh thổ... Yêu cầu về việc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có việc không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng chủ quyền của quốc gia ven biển trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh đó, ý tưởng về một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (gọi tắt là COC) - tạo nền tảng cho sự ổn định lâu dài trong khu vực và thúc đẩy sự hiểu biết giữa các nước có yêu sách - đã được các nước ASEAN đưa ra từ năm 1996.

Tháng 3/2002, ASEAN và Trung Quốc bắt đầu đàm phán về dự thảo COC, nhưng không đạt được đồng thuận. Thay vào đó, các bên đã ký Tuyên bố chung về ứng xử trên biển Đông (DOC) tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Campuchia tháng 11/2002.

Giá trị và tầm quan trọng của DOC là điều không thể phủ nhận song việc xây dựng một COC thực chất và hiệu quả luôn là mục tiêu mà các quốc gia ASEAN và Trung Quốc hướng đến.

Dù vậy, do nhiều nguyên nhân, phải tới năm 2013, ASEAN và Trung Quốc mới bắt đầu thảo luận về COC. Đến nay, tiến trình đàm phán đã đạt được những kết quả nhất định mà bước tiến lớn là đã hình thành được “văn bản dự thảo đàm phán duy nhất” (Single Draft Negotiating Text) là cơ sở cho việc đàm phán và một số nội dung trong văn bản này.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/bo-quy-tac-ung-xu-o-bien-dong-nen-tang-cho-su-on-dinh-cua-khu-vuc-187554.htm