Bỏ ra 4,9 tỷ USD, các tỷ phú có thể cứu 30 triệu người sắp chết đói
Kiếm bội tiền thời Covid-19, giờ là lúc các tỷ phú và doanh nghiệp dang tay cứu hàng triệu người trên thế giới đang bên vực chết đói.
Tỷ phú Jeff Bezos được cho là kiếm được 13 tỷ USD chỉ trong một ngày của tháng 7. Ảnh: AFP
Là số lẻ trong tổng tài sản của nhiều tỷ phú trên thế giới, nhưng 4,9 tỷ USD dành cho chương trình cứu trợ nhân đạo có thể cứu giúp 30 triệu người đứng trước nguy cơ chết đói trong năm nay.
Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP), ông David Beasley hôm 17/9 (giờ Mỹ) cho biết tổ chức này cần số tiền 4,9 tỷ USD để cứu trợ 30 triệu người có nguy cơ chết đói trong năm nay, đồng thời kêu gọi các tỷ phú và doanh nghiệp trên thế giới giúp họ.
“Trên thế giới, có hơn 2.000 tỷ phú với tài sản ròng lên tới 8.000 tỷ USD. Ngay tại đất nước tôi - Mỹ, có tới 12 cá nhân có tài sản trị giá 1.000 tỷ USD”, ông Beasley đề cập trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về nạn đói do xung đột.
“Trên thực tế, các báo cáo chỉ ra rằng 3 trong số các tỷ phú đó đã kiếm được hàng tỷ USD thời Covid-19. Tôi không phản đối việc mọi người kiếm tiền, nhưng nhân loại đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất mà bất cứ ai từng chứng kiến trong đời”.
Khi thế giới quay cuồng với cuộc khủng hoảng Covid-19, một số CEO có giá trị tài sản ròng tăng lên nhờ nhu cầu một số mặt hàng tăng mạnh, nhất là các CEO trong lĩnh vực công nghệ. Kênh truyền hình CNBC dẫn thông kế dữ liệu thời gian thực của Forbes cho hay, tính đến ngày 18/9 CEO Amazon Jeff Bezos vẫn giữ ngôi vương người giàu nhất thế giới với giá trị tài sản ròng đạt 177,9 tỷ USD. Tỷ phú Jeff Bezos được cho là đã kiếm được 13 tỷ USD chỉ trong một ngày của tháng 7.
Xét về giá trị tài sản ròng, người sáng lập Microsoft Bill Gates và CEO Facebook Mark Zuckerberg lần lượt đạt 115,4 tỷ USD và 93,7 tỷ USD, còn tài sản ròng của “gã điên” Elon Musk, CEO của hãng xe điện Tesla, ước tính lên tới 88,9 tỷ USD.
Ông Beasley nhấn mạnh đại dịch Covid-19 càng làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực trên diện rộng, một vấn đề trước đó đã trầm trọng do xung đột nhiều năm ở Nigeria, Nam Sudan, Congo và Yemen.
Đại dịch lan rộng cộng với xung đột leo thang và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp khiến "270 triệu người bên bờ vực chết đói và cần sự giúp đỡ của chúng tôi hơn bao giờ hết", ông Beasley nói, đồng thời lưu ý năm 2021 là năm quyết định "thành hay bại".
Trong một nỗ lực cứu giúp 138 triệu người mà ông Beasley cho là đang đối diện “đại dịch đói”, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc đã phối hợp với hơn 50 chính phủ để mở rộng mạng lưới cứu trợ an toàn cho những đối tượng này.
“Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để ngăn ‘ vỡ đập’. Tuy nhiên, nếu không có các nguồn lực cần thiết, một làn sóng của đại dịch đói vẫn sẽ đe dọa và càn quét trên toàn cầu”, ông Beasley nói. "Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ nhấn chìm các quốc gia và cộng đồng vốn nhiều năm suy yếu vì xung đột và bất ổn".
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Beasley cho rằng: “Đã đến lúc những người mạnh mẽ có thể tiến bước phải giúp đỡ những người kém cỏi nhất trong thời khắc ‘phi thường’ của lịch sử thế giới, để khẳng bạn thực sự yêu quý người bên cạnh mình”. "Thế giới cần bạn ngay bây giờ và đã đến lúc làm điều đúng đắn", Beasley cảm thán.
Các nhà lãnh đạo trên thế giới đã cam kết chấm dứt nạn đói và suy dinh dưỡng toàn cầu vào năm 2030 trong khuôn khổ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc. Ông Beasley cũng dành lời khen ngợi các quốc gia nỗ lực hỗ trợ công dân trong thời đại dịch, cũng như việc các nước G20 và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoãn trả nợ đối với các nước nghèo hơn.