Bờ sông của cộng đồng
HNN - Mỗi bãi cỏ trải dài tuyệt đẹp dọc theo bờ sông Hương đoạn chảy qua giữa lòng đô thị Huế đã trở thành điểm đến hấp dẫn. Hình ảnh người dân, du khách đến vui chơi, thư giãn ở bãi cỏ 'đắc địa' ấy được đưa lên mạng xã hội khiến không ít người người trầm trồ, rằng 'ở ngay giữa lòng Cố đô Huế mà tưởng chừng trời Tây'.

Người dân và du khách vui chơi ở bãi cỏ bờ bắc sông Hương
17 giờ một chiều giữa tháng 7, khi nắng trời lặng dần, cũng là lúc con đường đi bộ ở bờ Bắc dòng Hương giang đoạn từ cầu Trường Tiền kéo lên tận cầu Phú Xuân nhộn nhịp người tập thể dục, dạo chơi. Cạnh đó một bãi cỏ xanh mềm mại kéo dài từ đường đi bộ tiệm cận ra bờ sông Hương trở thành điểm dừng chân thu hút rất đông các nhóm người. Họ đem theo tấm lót lớn cùng thức ăn, đồ uống để vừa ngắm, vừa thưởng thức.
“Giữa cái ồn ào và xô bồ của phố thị, thì đây là điểm dừng chân vô cùng lý tưởng. Không chỉ thả mình trong một không khí không thể trong lành hơn, được ngắm cảnh cầu Trường Tiền và sông Hương thơ mộng, mọi áp lực, buồn phiền như tan biến”, bạn trẻ Nguyễn Hoài Hương (phường Thuận Hóa) tâm tình.
Kể từ ngày phát hiện ra bãi cỏ này được chỉnh trang, Hương và nhóm bạn của mình chiều hay tối nào cũng tranh thủ ra đây để tìm cảm giác bình yên, trò chuyện sau những giờ làm việc căng thẳng. Hành trang của nhóm bạn trẻ này ngoài tấm bạt vừa đủ cho 4 người, cùng một vài món ăn nhẹ, hay đơn giản chỉ là ly nước...
“Tụi mình thích nhất khi hoàng hôn buông xuống, nhuốm lên dòng sông Hương. Lúc đó, không gian và thời gian của Huế như một bức tranh chuyển cảnh huyền ảo, tạo nên một sắc màu rất riêng của Huế khiến ai cũng nao lòng”, Hương kể và khoe rất nhiều khoảnh khắc được cô dùng điện thoại chụp lại.
Nếu như trước kia thường ngắm hoàng hôn thượng nguồn sông Hương từ đồi Vọng Cảnh, thì giờ đây không chỉ riêng gì Hương mà nhiều người đã có thêm chọn lựa ngay khác với dòng sông êm đềm này ngay giữa lòng Huế.
Nhiều du khách đã nghĩ rằng bãi cỏ ấy phải nằm ở một nơi nào đó ngoại ô, di chuyển xa. Nhưng khi đến Huế, ngồi trên bãi cỏ và ngắm cảnh Huế từ chiều muộn cho đến lúc cầu Trường Tiền lên đèn mới thật sự tin vào mắt mình. “Mình đã đi rất nhiều đô thị và thật lòng mà nói Huế quá đẹp, quá bình yên và may mắn hơn đó là cái cách quy hoạch, bảo vệ đôi bờ sông Hương, tạo không gian xanh cho cư dân nơi này thật tuyệt vời, không phải nơi nào cũng làm được”, chị Thu Trang - một du khách Hà Nội nói với giọng “ghen tỵ”.
Đêm xuống, bãi cỏ ở dòng Hương như một bức tranh trữ tình. Ánh đèn lung linh trên cây cầu lịch sử và là một trong những biểu tượng của Huế phả xuống dòng nước, những chiếc thuyền rồng ngược xuôi và bên trên bãi cỏ mọi người cùng vui đùa, chuyện trò bình yên đến lạ. Không phải bây giờ con sông Hương mới được chỉnh trang tuyệt đẹp như thế. Cả hai bờ sông từ xa xưa đến giờ vẫn dùng cho công cộng, để mọi người dân và du khách thụ hưởng. Ngay chính trong những quy hoạch của đô thị Huế, đôi bờ sông Hương mặc nhiên là đất công viên, không được phục vụ vào các mục đích khác. Khu vực này còn được xác định là trung tâm văn hóa, du lịch khi có rất nhiều sự kiện lễ hội được tổ chức, tạo điểm nhấn rất riêng cho Huế.
Từ vỉa hè ở tuyến phố xuống công viên, kết nối qua đường đi bộ dòng sông, và cuối cùng là bãi cỏ tiệm cận với mặt nước giờ đây cũng không còn hàng rào ngăn cách, tất cả tạo ra một không gian thoáng rộng ngay giữa lòng trung tâm đô thị. Ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh TP. Huế nói rằng, việc chỉnh trang hệ thống cây xanh, đường đi bộ dọc đôi bờ sông Hương, đoạn chạy qua khu vực trung tâm đã được tiến hành một cách bài bản từ nhiều năm qua. Thế nhưng, việc chỉnh trang bãi cỏ ở bờ bắc sông Hương vừa được đơn vị tiến hành trong vài tháng nay và đã tạo được điểm nhấn vô cùng ấn tượng cho những ai đã đặt chân đến.
“Cỏ ở đây là cỏ ba lá tự nhiên. Ngoài tiến hành nhổ một số loại cỏ không phù hợp, chúng tôi còn tổ chức cắt tỉa sao cho tạo ra độ phẳng và mềm mại để mọi người có thể đến ngồi vui chơi một cách thoải mái”, ông Chinh nói. Cũng theo ông Chinh, đơn vị đang tiến hành mở rộng việc cắt tỉa cỏ ở khu vực gần cầu Phú Xuân, tạo nên một bãi cỏ dài đáp ứng nhu cầu vui chơi, thư giãn cho người dân.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/bo-song-cua-cong-dong-155877.html