Tháo gỡ điểm nghẽn, để Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phát triển - Bài 1:Những người đến sống ở Làng

Làng Văn hóa - Du lịch sau nhiều năm hoạt động, vẫn chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, đặc biệt là trong việc thu hút đầu tư, phát triển du lịch và tổ chức các hoạt động văn hóa quy mô, có chiều sâu. Một phần nguyên nhân xuất phát từ những vướng mắc về cơ chế, chính sách…

Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, ý nghĩa lớn nhất của Làng không chỉ nằm ở giá trị bảo tồn mà còn ở khả năng kiến tạo một không gian sống động, nơi văn hóa không chỉ được lưu giữ trong bảo tàng tĩnh mà được thổi hồn qua chính con người, đời sống, phong tục, tập quán và nghệ thuật của các cộng đồng dân tộc.

Du khách tham gia trải nghiệm điệu múa xòe cùng đồng bào dân tộc Thái. Ảnh: P. Sỹ

Du khách tham gia trải nghiệm điệu múa xòe cùng đồng bào dân tộc Thái. Ảnh: P. Sỹ

“Điều đáng quý là Làng không dựng lên các hình ảnh dân tộc theo kiểu “sao chép” mà hướng đến sự phục dựng có chiều sâu văn hóa, có sự tham gia thực sự của đồng bào, từ ngôi nhà, nếp sống, nghề truyền thống cho đến lễ hội, tiếng nói, tiếng hát. Chính vì vậy, Làng có tiềm năng lớn để trở thành một thiết chế văn hóa - du lịch độc đáo, vừa là điểm đến giáo dục bản sắc, vừa là không gian trải nghiệm hấp dẫn đối với cả du khách trong nước và quốc tế”, ông Sơn nói.

Đồng bào mong muốn gắn bó với Làng

Ghé thăm những đồng bào đang sinh sống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, có thể cảm nhận rõ mong muốn được gắn bó lâu dài với “ngôi nhà chung”. Bởi khi ở nơi đây, họ không chỉ lưu giữ ký ức văn hóa dân tộc, mà còn có cơ hội khơi dậy, lan tỏa những giá trị truyền thống độc đáo đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Nghệ nhân Y Sinh - người phụ nữ dân tộc Xơ Đăng đến từ xã Đắk Tô, Quảng Ngãi phấn khởi chia sẻ về cuộc sống thường nhật của mình tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

"Hương sắc núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: P. Sỹ

"Hương sắc núi rừng" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: P. Sỹ

Bà Y Sinh rời quê hương để về sinh sống và làm việc tại Làng từ năm 2018. Đã 7 năm trôi qua, bà vẫn cảm thấy nơi đây gần gũi như chính bản làng quê nhà. “Ngôi nhà ở đây giống y như ở quê, cách sinh hoạt cũng vậy. Mình đi làm việc mà, đi giới thiệu, lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc mình tới nhiều người biết hơn” - bà Y Sinh chia sẻ.

Với nghệ nhân Y Sinh, niềm vui lớn nhất là được mọi người tin tưởng, mời về Làng để góp phần gìn giữ văn hóa của dân tộc mình. Từ niềm tự hào đó, bà tự đặt ra câu hỏi cho chính mình: “Mình phải làm được điều gì đó để tự hào hơn - không phải cho riêng bản thân, mà cho dân tộc mình. Ở đây đã lâu rồi, mình phải xác định rõ: họ tin tưởng, mời mình thì phải cố gắng. Không biết thì phải học, phải hỏi để truyền tải lại những giá trị truyền thống của dân tộc mình cho mọi người biết đến”.

Bà Bùi Thị Thảo - người dân tộc Mường, quê ở xã Thịnh Minh, tỉnh Phú Thọ chia sẻ, bà cùng gia đình về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam từ năm 2017. “Ở đây anh em các dân tộc sống chan hòa, được cùng nhau thể hiện bản sắc dân tộc mình nên tôi thấy vui và ngày càng thấy gắn bó với nơi đây” - bà Thảo chia sẻ.

Nói về lý do gắn bó với Làng suốt những năm qua, bà Thảo bộc bạch: “Tôi rất vinh dự và tự hào khi được đại diện cho dân tộc mình về đây sinh sống, bảo tồn và giới thiệu văn hóa truyền thống của người Mường đến với du khách trong và ngoài nước. Nhiều người trước đây chưa từng biết đến văn hóa dân tộc Mường, nhưng khi được nghe giới thiệu, họ bảo thấy rất thú vị và muốn tìm hiểu thêm. Đó chính là nguồn cổ vũ để chúng tôi thêm gắn bó với nơi này”.

Sức hút từ trải nghiệm văn hóa chân thực

Với diện tích rộng lớn, mô phỏng sinh động không gian sinh hoạt của các cộng đồng dân tộc, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam mang đến cho du khách hành trình khám phá đặc sắc, từ kiến trúc nhà truyền thống đến phong tục, tập quán và lễ hội dân gian. Theo Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam, năm 2024, Làng đã đón hơn 600.000 lượt khách tham quan, trong đó có đến 44% là học sinh, sinh viên. Con số đó cho thấy sức hút đặc biệt đối với giới trẻ.

Những cô gái dân tộc Tà Ôi (Huế) đang dệt vải. Ảnh: P. Sỹ

Những cô gái dân tộc Tà Ôi (Huế) đang dệt vải. Ảnh: P. Sỹ

Nguyễn Hà Anh, sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, chia sẻ: "Tôi đã nhiều lần đến Làng vào cuối tuần để tìm hiểu văn hóa các dân tộc. Mỗi lần là một trải nghiệm mới mẻ. Các hoạt động như nhảy sạp của người Thái, ném còn của người Tày, lễ trưởng thành của người Ê Đê hay lễ Sayangva của người Chơ Ro đều được tái hiện sinh động, giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về đời sống văn hóa phong phú của các cộng đồng dân tộc."

Không chỉ bị cuốn hút bởi không gian kiến trúc, Hà Anh còn yêu thích các món ăn truyền thống được phục vụ tại chỗ, như cơm lam, thịt nướng của người Mường, cá suối nướng của người Thái. Tuy nhiên, cô cũng thẳng thắn nêu rõ hạn chế: "Khám phá hết Làng cần ít nhất một đến hai ngày, nhưng dịch vụ lưu trú, ăn uống hiện vẫn còn hạn chế, chưa thực sự tiện lợi cho du khách trẻ. Nếu được đầu tư đồng bộ hơn, nơi đây chắc chắn sẽ thu hút nhiều người hơn nữa."

Ông Nguyễn Văn Ngọc - Giám đốc Công ty Du lịch Civestra, cho biết: "Chúng tôi đã đưa khách đến Làng từ nhiều năm nay, tuy nhiên, khu vực vui chơi cho trẻ em, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi vẫn còn đơn điệu. Trong những dịp cao điểm, việc thiếu xe điện, thiếu nhân lực phục vụ đang là trở ngại lớn".

Làng có diện tích rất rộng, điều này là lợi thế lớn trong việc đón tiếp lượng khách đông đảo. Tuy nhiên, theo ông Ngọc, để khai thác hiệu quả hơn, cần bổ sung các dịch vụ đi kèm: "Nên phát triển thêm các khu lưu trú mang tính chất trải nghiệm bản địa, tổ chức các tour khám phá theo chủ đề, có hướng dẫn viên để hỗ trợ du khách cá nhân đi lẻ. Như vậy, họ sẽ cảm nhận sâu sắc hơn về văn hóa các dân tộc”.

Theo lãnh đạo Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam, hiện đơn vị đang đàm phán với một số nền tảng mạng xã hội quốc tế như TikTok để sản xuất và lan tỏa các nội dung về văn hóa dân tộc đến giới trẻ trong nước và thế giới. Việc ứng dụng công nghệ số vào quảng bá di sản được kỳ vọng sẽ đưa Làng Văn hóa trở thành điểm đến văn hóa “quốc dân” không chỉ trên bản đồ du lịch Việt Nam, mà cả khu vực.

(Còn nữa)

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thao-go-diem-nghen-de-lang-van-hoa-du-lich-cac-dan-toc-viet-nam-phat-trien-bai-1-nhung-nguoi-den-song-o-lang-10310788.html