Bổ sung chế tài trong công tác giám sát, phản biện xã hội
Ngày 6-7, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch 403 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Nghị quyết liên tịch 403 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ký kết, ban hành năm 2017.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, từ năm 2018-2022, Ủy ban MTTQ các cấp đã giám sát 60.463 cuộc trên nhiều lĩnh vực. Về phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức 14 hội nghị phản biện xã hội. Các dự án luật, đề án được phản biện là những dự thảo văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân.
Từ điểm cầu TPHCM, đồng chí Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, kiến nghị, công tác giám sát, phản biện xã hội cần tập trung vào việc nắm bắt tình hình và lựa chọn một số vụ việc phức tạp, bức xúc, giải quyết kéo dài để nghiên cứu, giám sát; kiến nghị chính quyền các cấp quan tâm giải quyết.
Các ý kiến thảo luận tại hội nghị cũng cho rằng, cần bổ sung chế tài trong công tác giám sát, phản biện xã hội nhằm nâng cao vai trò, vị trí của mặt trận. Để giám sát, phản biện của MTTQ có chất lượng, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về công tác giám sát, phản biện xã hội theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư; cần nghiên cứu cơ chế phối hợp giữa kiểm tra, giám sát của Đảng, giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp với giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội để vừa phát huy được sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả giám sát, tránh chồng chéo, cùng một nội dung, nhiều đoàn giám sát...
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, việc triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ thời gian tới sẽ có tính hệ thống, có chuyên đề toàn quốc như giám sát tối cao của Quốc hội, có trọng tâm, trọng điểm, coi trọng chất lượng, thực chất, không hình thức.