Bổ sung chính sách ưu đãi với thế hệ thứ ba bị nhiễm chất độc hóa học
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) đề xuất mở rộng đối tượng nhưng cũng quy định chặt hơn quy trình xét hưởng chế độ.
Tại hội nghị lấy ý kiến dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Lợi cho biết, trong quá trình lấy ý kiến soạn thảo dự án Pháp lệnh, các nội dung sửa đổi nhận được sự đồng thuận của hầu hết các bộ, ban, ngành, chuyên gia và nhân dân.
Đến nay, trong dự thảo còn một số nội dung đang có những ý kiến trái chiều. Cụ thể, cơ quan soạn thảo cho biết dự thảo đề xuất bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ ba bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, coi 27.000 người thuộc diện này vào chính sách người có công với cách mạng. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nên tiếp tục thực hiện theo chế độ bảo trợ xã hội, chưa cần bổ sung chính sách mới.
Theo cơ quan chuyên môn về khám chữa bệnh thì hiện nay chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn đầy đủ để xác định danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật do chất độc hóa học gây ra đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Thực tế khám chữa bệnh thì nguyên nhân gây ra dị dạng, dị tật không phải chỉ do chất độc hóa học mà còn có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là với thế hệ thứ ba.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng đề nghị mở rộng đối tượng ưu đãi người có công đối với địch bắt, tù đày. Pháp lệnh hiện hành chỉ quy định xem xét xác nhận đối với người hoạt động cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; chưa có quy định đối với người dân giúp đỡ cách mạng bị địch bắt tù, đày; người bị địch bắt tù, đày do tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975 (chiến tranh biên giới Tây Nam, phía Bắc).
Hiện nay, phần đông ý kiến rất đồng cảm với các đề nghị mở rộng đối tượng trên vào Pháp lệnh nhưng còn băn khoăn vì tính khả thi.
Thực tế, phạm vi đối tượng này rất rộng, hầu hết không có hồ sơ giấy tờ chứng minh ở tàng thư hoặc thiếu người làm chứng và dễ nảy sinh hệ lụy trục lợi chính sách. Mặt khác, hầu hết các đối tượng này (số đã được tặng Huân, Huy chương) đã được hưởng chế độ người có công giúp đỡ cách mạng (trợ cấp một lần). Do đó, còn có nhiều ý kiến đề nghị không bổ sung diện đối tượng này vào Pháp lệnh...
Theo thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, dự thảo pháp lệnh được xây dựng từ đầu năm 2018, qua rất nhiều hội thảo thì tháng 8-2019 dự thảo đã được công bố, lấy ý kiến, các bộ, ngành, địa phương, người dân.
Đã có trên 120 ý kiến phản hồi, đóng góp của các bộ, ban, ngành, các đoàn đại biểu quốc hội, các địa phương gửi về, trong đó có 6 nội dung vẫn còn những ý kiến khác nhau. Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo sớm trình Chính phủ.