Bổ sung cơ chế xử lý văn bản chứng thực không đúng quy định
Đó là một trong những điểm đáng chú ý của Thông tư số 01/ 2020/TT-BTP do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, có hiệu lực từ ngày 20-4 tới, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16-2-2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Cụ thể, Thông tư số 01/2020/TT-BTP nêu rõ: Các giấy tờ, văn bản đã được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký không đúng quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn thi hành thì không có giá trị pháp lý. Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã, người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản chứng thực không đúng quy định và đăng tải thông tin về những giấy tờ, văn bản này.
Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể các trường hợp, điều kiện được chứng thực chữ ký trên các giấy ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền; trường hợp ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp; ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa, vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để tránh nhiều cách hiểu khác nhau, góp phần giảm bớt rủi ro và tạo thuận lợi cho công chứng viên.
Trước đó, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và thông tư hướng dẫn của Bộ Tư pháp chưa có quy định về việc nếu phát hiện chứng thực không đúng quy định thì sẽ thực hiện khắc phục sai sót như thế nào, gây lúng túng cho cơ quan thực hiện chứng thực. Khi phát hiện có sai sót, các cơ quan thực hiện chứng thực chủ yếu cố gắng thu hồi văn bản đã được chứng thực sai quy định một cách cơ học. Điều này rất khó thực hiện, dẫn đến có văn bản đã được chứng thực sai quy định vẫn được sử dụng trong các giao dịch hành chính, dân sự, tiềm ẩn rủi ro cho cả các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân.