Bổ sung điều kiện nghỉ hưu ở tuổi 60 với nam, 55 với nữ, không bị trừ tỷ lệ
Người lao động có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ thay vì áp dụng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu như với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ, cơ quan này đề xuất bổ sung quy định chuyển tiếp đối với các trường hợp người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Cụ thể, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến trước ngày 1/1/2025) và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu khi có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi đối với nữ, đủ 60 tuổi đối với nam.
Trên cơ sở đó, thời gian qua các cơ quan, các địa phương đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng lương hưu với các điều kiện nêu trên.
Do vậy, để đảm bảo phù hợp với định hướng tăng tuổi nghỉ hưu chung, đồng thời kế thừa những cam kết của Nhà nước, tránh ảnh hưởng tiêu cực giảm niềm tin của người dân vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, dự thảo Luật bổ sung trong quy định chuyển tiếp đối với những trường hợp đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ trước ngày luật này có hiệu lực thi hành.
Theo quy định hiện hành, điều kiện hưởng lương hưu đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động. Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035.