Bổ sung kịp thời cơ chế phù hợp, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh sinh viên lần VI nhằm tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên (HSSV), đồng thời khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, khát vọng lập thân, lập nghiệp...
Sáng 12/5, tại Trường Đại học Cần Thơ, thành phố Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV lần thứ VI.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ HSSV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” bằng Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 (Đề án 1665)
Theo tinh thần Đề án 1665, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV được tổ chức hàng năm từ năm 2018 đến nay đã thực sự trở thành sân chơi trí tuệ, nơi hình thành các ý tưởng, những nghiên cứu khoa học giá trị nhằm thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp của giới trẻ. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ HSSV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Thủ tướng cho biết, qua hơn 6 năm thực hiện, Đề án 1665 đạt được hầu hết các mục tiêu: 100% các đại học, học viện, trường (đại học, cao đẳng, trung cấp) có kế hoạch triển khai hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; 90% HSSV được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp; tỉ lệ sinh viên khởi nghiệp sau khoảng 5 năm tốt nghiệp khoảng 8%. Qua các cuộc thi, đã thu hút được gần hơn 3.000 dự án khởi nghiệp của HSSV và hơn 4.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Một số dự án đã được đầu tư thành công như Dự án “Bê tông xanh thân thiện với môi trường” của nhóm sinh viên Trường Đại học Mỏ địa chất; hay Dự án “Sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ quả Sơn Tra (táo mèo)” của nhóm các học sinh trường THPT Trần Nhật Duật, tỉnh Yên Bái…
“Đặc biệt, chúng ta tự hào có nhiều HSSV Việt Nam đã đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học ở trong nước, nước ngoài và được tuyển dụng làm việc tại các Tập đoàn, Công ty công nghệ lớn của thế giới như Facebook, Space X, Google, Quora… Thay mặt Chính phủ, tôi ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả tích cực về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh sinh viên, thanh niên Việt Nam thời gian qua, đóng góp vào thành công chung của cả nước”, Thủ tướng Chính phủ nói.
Về nhiệm vụ giải pháp đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả “1 Đẩy mạnh; 2 Tăng cường; 3 Kết nối; 4 Tập trung; 5 Khuyến khích”.
Theo Thủ tướng, “1 Đẩy mạnh” là đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chính sách hiện hành; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên, HSSV khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
“2 Tăng cường” là tăng cường liên kết giữa các trường đại học, trường cao đẳng với các trung tâm nghiên cứu có đầy đủ trang thiết bị hiện đại giúp HSSV có thể nghiên cứu, tạo nên những sản phẩm mẫu, tạo sự gắn kết giữa các nhóm ngành nghề thông qua sự hỗ trợ của đội ngũ cán bộ, giảng viên, điều phối viên; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên. Phân bổ nguồn lực hợp lý giữa các Bộ, ngành liên quan trong việc triển khai các hoạt động khởi nghiệp.
“3 Kết nối” gồm: kết nối các Trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các Trung tâm khởi nghiệp tại các địa phương, hình thành mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia; kết nối các địa phương với các Trường đại học trong việc đặt hàng, giao nhiệm vụ phát triển các dự án khởi nghiệp trên tinh thần giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương; kết nối giáo dục khởi nghiệp từ phổ thông lên các bậc học cao hơn thành những nội dung, chương trình xuyên suốt.
“4 Tập trung” là tập trung nâng cao tinh thần đổi mới sáng tạo trong ngành giáo dục, trong đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên, HSSV. Đổi mới từ cách nghĩ cách làm đến nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy; tập trung đề xuất, hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tập trung đề xuất xây dựng sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HSSV, thanh niên với các doanh nghiệp. Có cơ chế bảo đảm các ý tưởng dự án được bảo hộ tránh việc mất bản quyền và tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng.
“5 Khuyến khích” là khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị sử dụng các sản phẩm được hình thành từ các dự án khởi nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng không gian trải nghiệm, không gian sáng tạo khởi nghiệp dùng chung cho các cơ sở giáo dục, gắn việc học đi đôi với hành, tránh tình trạng học trải nghiệm không có nội dung, phương pháp làm giảm hiệu quả công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm; khuyến khích HSSV, giảng viên tích cực tham gia các hoạt động khởi nghiệp và để thúc đẩy thương mại hóa được các sản phẩm nghiên cứu; khuyến khích cán bộ giảng viên, đoàn viên thanh niên tích cực chủ động đổi mới sáng tạo, có cách nghĩ mới, cách làm mới; tham gia các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các hoạt động hỗ trợ cộng đồng.