Bổ sung nhiều điều mới để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ
Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ đang được xây dựng, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua. Đây là dự luật quan trọng điều chỉnh những vấn đề cơ bản về công tác bảo đảm TTATGT, liên quan mật thiết đến hoạt động thường xuyên của những đối tượng tham gia giao thông. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) - Đặng Hoàng Tuấn về vấn đề này.
lPV: Ông có thể cho biết, tầm quan trọng, sự cần thiết về việc xây dựng và ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ?
Ông Đặng Hoàng Tuấn: Căn cứ Nghị quyết số 123/NQ-CP, ngày 31/8/2020 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8-2020, trong đó, về dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ được thống nhất về sự cần thiết ban hành và nội dung xây dựng trên cơ sở đổi mới, hoàn thiện các chính sách, nội dung quy định về bảo đảm TTATGT đường bộ tách ra từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Qua đó, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật, tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm TTATGT đường bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.
Về phạm vi điều chỉnh, Chính phủ thảo luận và thống nhất: Dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ quy định các vấn đề về quy tắc giao thông; đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới; tổ chức ATGT và chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông; các biện pháp thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về ATGT đường bộ.
lPV: Hiện nay, ngành GTVT tỉnh đã có sự chuẩn bị gì khi Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ chính thức có hiệu lực?
Ông Đặng Hoàng Tuấn: Sở GTVT hiện tiếp tục triển khai tốt công tác quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: Sở chỉ đạo Thanh tra (trực thuộc Sở GTVT) tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe; kiểm tra việc chấp hành các quy định trong sát hạch qua hình ảnh giám sát kỳ sát hạch lái xe được lưu trữ; chỉ đạo Phòng nghiệp vụ xây dựng kế hoạch kiểm tra đột xuất các khóa học lái xe theo kế hoạch đào tạo của các cơ sở đào tạo.
Song song đó, Sở xây dựng kế hoạch phối hợp các cơ quan liên quan như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh để tổ chức kiểm tra các địa điểm tổ chức đào tạo lái xe trái quy định; tổ chức xác minh các văn bằng, chứng chỉ chuyên môn của các giáo viên dạy lái xe để loại khỏi danh sách các giáo viên không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Tháng 9/2020, Sở cử 21 cán bộ (là người của Sở) và các giáo viên của các cơ sở đào tạo lái xe tham dự lớp tập huấn sát hạch viên do Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức để đáp ứng yêu cầu công tác sát hạch trong thời gian tới.
lPV: Riêng đối với các cơ sở đào tạo lái xe, hiện có những quy định gì mới, thưa ông?
Ông Đặng Hoàng Tuấn: Theo khoản 3, Điều 3, Nghị định số 138/2018/NĐ-CP, ngày 08/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65/2016/NĐ-CP, ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ôtô và dịch vụ sát hạch lái xe và khoản 28, Điều 1 Thông tư số 38/TT-BGTVT, ngày 08/10/2019 đã quy định lộ trình đầu tư bổ sung các nội dung để nâng cao chất lượng công tác đào tạo lái xe như: Các cơ sở đào tạo ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ôtô từ ngày 01/5/2020; tổ chức đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông kể từ ngày 01/01/2020; sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe ôtô từ ngày 01/01/2021; trang bị ca-bin học lái xe ôtô, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên sau 6 tháng kể từ ngày quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có hiệu lực thi hành.
Sở GTVT đã có văn bản yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe đầu tư các trang thiết bị đáp ứng yêu cầu quy định; đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt việc tổ chức đào tạo mới và đào tạo nâng hạng giấy phép lái xe theo lưu lượng, địa điểm, hạng giấy phép lái xe ghi trong giấy phép đào tạo lái xe của cơ sở đào tạo; lập báo cáo số 1 và kế hoạch đào tạo khóa học bảo đảm việc phân công, bố trí giáo viên, xe tập lái đủ điều kiện để giảng dạy theo quy định.
Đồng thời, các cơ sở đào tạo lái xe ôtô có kế hoạch tổ chức tập huấn để nâng cao nghiệp vụ đối với giáo viên dạy thực hành lái xe theo nội dung quy định tại phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT, ngày 08/10/2019 của Bộ trưởng Bộ GTVT; tăng cường cán bộ thực hiện công tác giáo vụ, tổ chức đào tạo, ghi chép sổ sách quản lý, giảng dạy, lưu trữ hồ sơ đào tạo, sát hạch đúng quy định.
lPV: Xin cảm ơn ông!
Minh Đăng (thực hiện)