Bổ sung 'nơi sinh' vào hộ chiếu không phát sinh thủ tục, không gây tốn kém
Ủy ban Quốc phòng An ninh (QPAN) của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết bổ sung thông tin 'nơi sinh' vào trang nhân thân của hộ chiếu như các lý do nêu trong Tờ trình số 443/TTr-CP của Chính phủ.
Trong phiên họp sáng 7-11, Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu,
Về sự cần thiết bổ sung thông tin 'nơi sinh' vào hộ chiếu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh (QPAN) của Quốc hội Lê Tấn Tới nhấn mạnh, thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài in bị chú bổ sung thông tin 'nơi sinh' vào hộ chiếu cho công dân Việt Nam và đã được các nước tạm thời chấp nhận, trong đó một số nước chấp nhận cho đến hết năm 2022, sau đó hộ chiếu cấp mới phải có thông tin 'nơi sinh' trên trang nhân thân của hộ chiếu.
Trước tình hình trên, Ủy ban QPAN nhất trí với sự cần thiết bổ sung thông tin 'nơi sinh' vào trang nhân thân của hộ chiếu như các lý do nêu trong Tờ trình số 443/TTr-CP của Chính phủ.
Về thẩm quyền bổ sung thông tin 'nơi sinh' vào hộ chiếu, Ủy ban QPAN thấy rằng, các thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam do Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định, nên việc bổ sung thông tin 'nơi sinh' vào giấy tờ xuất nhập cảnh nói chung thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Còn các mẫu giấy tờ xuất nhập cảnh, Luật đã giao Bộ Công an ban hành sau khi trao đổi với các Bộ, ngành liên quan.
Do đó, Ủy ban QPAN thấy rằng, việc Chính phủ trình và kiến nghị Quốc hội cho bổ sung thông tin 'nơi sinh' trên hộ chiếu là phù hợp.
Về tác động của việc bổ sung thông tin 'nơi sinh' vào hộ chiếu, Ủy ban QPAN nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về đánh giá tác động của việc bổ sung thông tin 'nơi sinh' vào hộ chiếu; đồng thời cho rằng, việc bổ sung thông tin 'nơi sinh' vào hộ chiếu sẽ bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp ổn định, lâu dài cho công dân Việt Nam khi thực hiện hoạt động nhập cảnh tại các nước.
Việc này không làm phát sinh thủ tục hành chính và không gây tốn kém cho công dân, vì thông tin 'nơi sinh' là thông tin bắt buộc trong mẫu tờ khai hộ chiếu, giấy thông hành hiện nay, được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh, nên không phải thay đổi tờ khai hoặc khai báo bổ sung.
Về hình thức văn bản thể hiện quyết định của Quốc hội, Ủy ban QPAN nhận định, việc bổ sung thông tin 'nơi sinh' vào hộ chiếu thuộc thẩm quyền của Quốc hội; Do yêu cầu về thời gian thực hiện việc bổ sung thông tin 'nơi sinh' vào trang nhân thân hộ chiếu trước 1-1-2023, nên không đảm bảo thời gian để thực hiện sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam hoặc ban hành một nghị quyết riêng của Quốc hội.
Do đó, Ủy ban QPAN nhất trí với Tờ trình của Chính phủ đã đề xuất Quốc hội “đưa nội dung trên vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV” với nội dung: “Bổ sung thông tin 'nơi sinh' vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam; giao Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để bổ sung thông tin 'nơi sinh' vào mẫu hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam”.
Về lâu dài, đề nghị Chính phủ nghiên cứu theo hướng mở rộng bổ sung 'nơi sinh' vào giấy tờ xuất nhập cảnh nói chung để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp ổn định, lâu dài cho công dân Việt Nam.