Bổ sung quy định của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa khuyết tật
Cần rà soát các quy định về hàng hóa khuyết tật để có chế tài thu hồi hay có xử lý vi phạm. Đây là nội dung được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại phiên thảo luận tại hội trường về luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) chiều 10/11.
Dự thảo luật chia sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật thành hai nhóm: nhóm có khả năng gây thiệt hại cho tài sản của người tiêu dùng và nhóm có khả năng gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Trên cơ sở này để quy định mức độ trách nhiệm tương ứng của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc thu hồi đối với từng nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật. Tuy nhiên lại chưa quy định rõ trách nhiệm bồi thường trong những trương hợp này.
Ông NGUYỄN DANH TÚ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang: “Đề nghị Điều 34 dự thảo luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.”
Đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa đã có quy định về sản phẩm hàng hóa nhóm 1 và nhóm 2. Đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể việc ban hành danh mục hàng hóa nhóm 2. Như vậy có làm phức tạp thêm các công cụ phân loại và quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa hay không khi dự thảo luật cũng có sự phân nhóm mới?
Ông SÙNG A LỀNH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai: “Đề nghị cần làm rõ cơ quan nào có thẩm quyền ban hành danh mục từng nhóm sản phẩm hàng hóa để doanh nghiệp có cơ sở áp dụng biện pháp thu hồi thống nhất, tránh trường hợp đánh giá không đúng về nguy cơ gây thiệt hại cho tài sản hay sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng nên áp dụng không chính xác biện pháp thu hồi tại khoản 2 và khoản 3 Điều 33 dự thảo Luật.”
Các đại biểu cũng đề nghị rà soát kỹ để đảm bảo tính thống nhất trong việc giải thích các từ ngữ, khái niệm ngay trong dự luật, đồng thời đối chiếu dự thảo luật với các văn bản pháp luật khác có liên quan về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không vướng mắc, khó khăn khi áp dụng trong thực tiễn.
Thực hiện : Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam