Bổ sung quy định đảm bảo quyền được làm thêm của học sinh, sinh viên
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội lấy ý kiến và dự kiến trình Quốc hội vào Kỳ họp tháng 10/2024. Một trong những điểm mới của dự thảo Luật lần này quy định về việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên.
Tại Điều 30, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định về việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên, qua đó nhằm bảo đảm quyền được làm việc của nhóm người này; đồng thời, tăng cường quản lý, hỗ trợ, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật lĩnh vực này.
Theo đó, dự thảo quy định, học sinh, sinh viên từ đủ 15 tuổi được làm việc nhưng không quá 20 giờ/1 tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/1 tuần trong kỳ nghỉ.
Đặc biệt, tiền công của học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động và căn cứ thời gian thực tế làm việc, khối lượng, chất lượng công việc đã thực hiện.
Dự thảo cũng nêu rõ: Cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.
Qua thực tế đi làm thêm, Nguyễn Thu (sinh viên năm nhất Đại học KHXH&NV Hà Nội), cho biết, em có gần 1 năm đi làm thêm tại quán cà phê. Quê ở Thanh Hóa, vì gia đình còn nghèo, nên em cố gắng tận dụng mọi thời gian rảnh để kiếm việc làm thêm, trang trải được một phần học phí, chi phí sinh hoạt; cũng giúp giảm gánh nặng cho bố mẹ ở nhà. Hiện tại, cả ngày có lịch học trên lớp, nên em chỉ tranh thủ nhận việc ca chiều tối; ngày cuối tuần thì nhận làm toàn thời gian. Nguyễn Thu bày tỏ nguyện vọng có thể có được thời gian làm thêm nhiều hơn.
Còn tiền lương, em chỉ được hưởng tiền công là 10.000 - 15.000 đồng/giờ. Thu chia sẻ, đây là mức lương thấp so với công việc tại quán cà phê, nhưng em không có nhiều lựa chọn. Đồng thời, học sinh, sinh viên đi làm thêm cũng gần như không có quyền được "đàm phán" mức tiền công của chính mình. Phần lớn quản lý, người sử dụng lao động đều lấy lý do các em thiếu kinh nghiệm, lại cần thời gian, công sức để đào tạo, nên lương không bằng những nhân công khác.
Góp ý về nội dung này của dự thảo Luật, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết: Quy định việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên (Điều 30), có khống chế thời gian "không quá 20 giờ trong 1 tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ trong 1 tuần trong kỳ nghỉ" với "học sinh, sinh viên đủ độ tuổi lao động theo quy định". Như vậy, lực lượng lao động là học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động (cả người trên 18 tuổi - PV) sẽ bị khống chế về thời gian làm việc - nội dung này chưa phù hợp với Bộ luật Lao động. Mặt khác trường hợp sinh viên xa nhà, thuộc gia đình có thu nhập thấp, bị hạn chế thời gian làm việc sẽ làm giảm thu nhập, ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt và học tập.
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị, về "Tiền công của học sinh, sinh viên" cần bổ sung quy định mức tiền công "không thấp hơn mức lương tối thiểu giờ theo quy định của pháp luật hiện hành". Bởi thực tế, khi thỏa thuận về vấn đề tiền lương, người lao động là học sinh, sinh viên ở vị trí yếu thế trong quan hệ việc làm.
Vì vậy cần giới hạn sàn tối thiểu về mức lương, để tránh việc người sử dụng lao động đưa ra tiền lương quá thấp, không tương xứng với sức lao động của người lao động bỏ ra khi thực hiện công việc.
Hơn nữa việc áp dụng sàn lương tối thiểu giờ theo quy định của pháp luật đang áp dụng trong quan hệ lao động sẽ đảm bảo quy định là "học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian được bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động".
Về quy định trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian giao cho "Cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp" là chưa hợp lý. Theo ông Ngọ Duy Hiểu, trách nhiệm quản lý lao động là của cơ quan quản lý nhà nước (Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH) và doanh nghiệp. Còn các cơ sở giáo dục chỉ có trách nhiệm quản lý về mặt giáo dục.