Bổ sung quy định về lập Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu bổ sung quy định Chính phủ thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn thu hợp pháp khác để thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước ở một số ngành ưu đãi đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Thay thế chính sách ưu đãi đầu tư bằng thuế
Trong đó, một trong nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung ở Luật Đầu tư là quy định về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư.
Theo Bộ KH&ĐT, mặc dù thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam vẫn tăng trưởng qua các năm gần đây nhưng số lượng dự án quy mô vốn đầu tư lớn với hàm lượng công nghệ cao còn khiêm tốn.
Thành lập Quỹ thu hút các nhà đầu tư chiến lược
Dự thảo bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Đầu tư để quy định căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn NSNN và các nguồn thu hợp pháp khác để thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối với một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư.
Về cơ bản, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của Việt Nam có tính cạnh tranh trong khu vực. Tuy nhiên, chính sách này còn dàn trải, thiếu đa dạng và đặc biệt là không còn tác dụng trong thu hút dự án lớn, tập đoàn đa quốc gia trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Do đó, cơ quan soạn thảo đề xuất cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư mới hướng đến các dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa trong lĩnh vực công nghệ cao thông qua Quỹ Hỗ trợ đầu tư.
“Chính sách này cần đủ mạnh để thay thế các chính sách thu hút đầu tư bị mất hiệu lực do áp dụng thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu; đồng thời bảo đảm yêu cầu không nhằm bù đắp cho các nhà đầu tư thuộc phạm vi áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu và thể hiện tinh thần “thiện chí đồng hành” của Chính phủ Việt Nam đối với nhà đầu tư trong bối cảnh tình hình quốc tế thay đổi”, Bộ KH&ĐT đề nghị.
Theo đó, dự thảo bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Đầu tư để quy định căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn NSNN và các nguồn thu hợp pháp khác để thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối với một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư.
Chính phủ quy định về mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, nguồn ngân sách cấp hàng năm và bổ sung cho Quỹ, hình thức hỗ trợ chi phí của Quỹ, cơ chế bồi hoàn hỗ trợ và các chính sách đặc thù khác của Quỹ sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành.
Quy định thủ tục đặc biệt cho các dự án cần ưu tiên
Cũng liên quan đến thu hút đầu tư, để đơn giản hóa trình tự, thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai thực hiện dự án đầu tư để tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược cho các dự án đầu tư vào một số lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư, Điều 2 dự thảo Luật đã bổ sung Điều 36a tại Luật Đầu tư để quy định thủ tục đầu tư đặc biệt.
Không phải làm các thủ tục cấp phép về môi trường, phòng cháy chữa cháy
Dự án đầu tư đăng ký theo quy định của thủ tục đầu tư đặc biệt không phải thực hiện các thủ tục để được cấp giấy phép, phê duyệt, chấp thuận, cho phép, xác nhận và các yêu cầu khác thuộc các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết và thực hiện đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy.
Trong đó quy định cụ thể về đối tượng, phạm vi áp dụng, nguyên tắc, hồ sơ, trình tự thực hiện thủ tục.
Đồng thời, cho phép nhà đầu tư thuộc đối tượng thực hiện thủ tục đầu tư đặc biệt được thành lập tổ chức kinh tế thực hiện dự án trước khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và được lựa chọn áp dụng trình tự, thủ tục đặc biệt quy định, trừ trường hợp dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội quy định tại Điều 30 của Luật này.
Theo cơ quan soạn thảo, việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong một số lĩnh vực đã được áp dụng trong các Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù tại một số địa phương.
Tuy nhiên, các dự án nói trên vẫn thực hiện theo các thủ tục đầu tư thông thường theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy…
Thời gian thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy thường mất nhiều thời gian. Mỗi thủ tục lại có yêu cầu riêng về hồ sơ, trình tự và thời gian, một số thủ tục lại quy định nhiều bước thực hiện (thủ tục xây dựng), một số thủ tục phải thực hiện tuần tự, kết quả của thủ này là đầu vào của thủ tục khác. Tính trung bình, thời gian để thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên kéo dài từ khoảng 250 ngày đến 350 ngày. Trên thực tế, thời gian thực hiện thủ tục có thể kéo dài hơn do độ trễ vì phải hoàn thiện các hồ sơ và tài liệu có liên quan.
Do vậy, cần xây dựng, bổ sung quy định về quy trình, thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đối với các dự án này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao…, các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược là cần thiết và cấp bách./.