Bổ sung quy định về trung tâm dữ liệu quốc gia
Tiếp tục chương trình Phiên họp giữa hai đợt Kỳ họp thứ Sáu của Quốc hội, sáng nay, 15.11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước.
Điều chỉnh tên gọi nhằm đạt các mục đích quản lý và phục vụ Nhân dân
Báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới trình bày. Theo đó, về tên gọi của dự thảo Luật và tên thẻ căn cước, có ý kiến cho rằng, trong thời gian vừa qua đã có nhiều thay đổi về hình thức, nội dung và tên gọi của thẻ căn cước. Vì vậy, đề nghị cân nhắc về tên gọi của Luật; đề nghị không đổi tên Luật và tên thẻ thành Luật Căn cước và thẻ căn cước.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc thay đổi hình thức, nội dung, tên gọi của thẻ căn cước là phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số, với nội dung được bổ sung bao quát, toàn diện, đầy đủ thông tin trong thẻ căn cước và hình thức, phương thức quản lý số, tính khoa học, đại chúng, giúp Nhà nước quản lý chặt chẽ; đồng thời, hỗ trợ người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia các hoạt động, giao dịch hành chính, dân sự, hoạt động xã hội tiện lợi, phù hợp với môi trường số, xã hội số.
Bên cạnh đó, Luật Căn cước công dân hiện hành chỉ quy định về cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên; dự thảo Luật Chính phủ trình bổ sung đối tượng áp dụng là công dân dưới 14 tuổi và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (sau đây gọi là người gốc Việt Nam); đối với người gốc Việt Nam thì không cấp thẻ căn cước mà chỉ cấp giấy chứng nhận căn cước. Do đó, việc đổi tên Luật và tên thẻ như Chính phủ trình là cần thiết, phù hợp với phạm vi và để bao hàm hết đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật.
Ngoài ra, việc bổ sung điều chỉnh và cấp giấy chứng nhận căn cước cho đối tượng là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho người gốc Việt Nam được hưởng các quyền cơ bản của con người. Thực tế hiện nay, do không có giấy tờ tùy thân, họ rất khó khăn trong việc đi lại, giao dịch, lao động, sở hữu tài sản… nên cần cấp giấy chứng nhận căn cước cho họ.
Từ những vấn đề trên, theo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, việc điều chỉnh tên gọi là Luật Căn cước và thẻ căn cước là hoàn toàn phù hợp cả về phạm vi và đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật; đạt các mục đích quản lý và phục vụ Nhân dân. Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho sử dụng tên gọi Luật Căn cước và thẻ căn cước như Chính phủ trình.
Không bổ sung quy định về việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt
Về trung tâm dữ liệu quốc gia (quy định tại khoản 4, Điều 8; khoản 5, Điều 10; khoản 5, Điều 11 và khoản 3, Điều 12), có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa xác định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của trung tâm dữ liệu quốc gia nên quy định việc kết nối với các cơ sở dữ liệu là chưa phù hợp. Đề nghị bổ sung quy định cụ thể khi luật đã giao nhiệm vụ.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, sau khi được cấp có thẩm quyền đồng ý, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30.10.2023 phê duyệt Đề án xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia. Trong dự thảo Luật chỉ quy định về trung tâm dữ liệu quốc gia với ý nghĩa là một hệ thống kỹ thuật được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia để chia sẻ, khai thác, xử lý thông tin.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung khoản 19 Điều 3 quy định về trung tâm dữ liệu quốc gia như dự thảo Luật.
Về thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 16), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt vào điểm d, khoản 1 tương tự như đối với việc thu thập thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện triển khai trong thực tiễn.
Theo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, khoa học hiện nay đã chứng minh, cùng với vân tay, mống mắt của một người có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất đối với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian. Vì vậy, bên cạnh việc thu thập vân tay, Chính phủ đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội.
Qua thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Công an, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan, tổ chức hữu quan để nghiên cứu, tiếp thu hợp lý và đạt được sự đồng thuận cao. Dự thảo Luật cơ bản bảo đảm chất lượng và những yêu cầu đặt ra từ đầu khi xây dựng chính sách, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nội dung nào đã tiếp thu thì cần nhấn mạnh, làm đậm và khái quát thêm những vấn đề đã nghiên cứu, tiếp thu; một số ý kiến giải trình cần đầy đủ, hợp lý hơn.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giảm thuế giá trị gia tăng.