Bổ sung quy trình phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam vào quy trình xây dựng ban hành luật

Thảo luận tại Hội nghị lấy ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu đều cơ bản thống nhất về việc bổ sung quy trình phản biện xã hội của MTTQ vào quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại diện UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Đại diện UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Trình bày Báo cáo một số vấn đề xin ý kiến đối với dự thảo Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung cho biết, hiện nay hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đang được quy định và thực hiện theo Chương VI của Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 và giữa Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về vấn đề này.

Trong quá trình soạn thảo dự án Luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đã đề nghị bổ sung quy định về phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm sự liên thông, thống nhất trong thực hiện. Ngày 15/1/2020, Bộ Chính trị có kết luận tại Thông báo số 160-TB/TW về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 62-KL/TW ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị, trong đó giao “Đảng đoàn Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xem xét đưa hoạt động phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội vào quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.

Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với cơ quan soạn thảo, làm việc với đại diện lãnh đạo của UBTƯ MTTQ Việt Nam để trao đổi cụ thể về phương án sửa đổi, bổ sung trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm sự liên thông, kết nối và thống nhất giữa 2 luật, nhưng cũng phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quy trình xây dựng pháp luật hiện nay, đồng thời phát huy được sự tham gia phản biện xã hội của MTTQ.

Theo đó, trên cơ sở thống nhất với lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Tư pháp, dự thảo Luật đã bổ sung vào Điều 6 một khoản quy định mang tính nguyên tắc chung về phản biện xã hội đối với văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời chỉnh sửa quy định về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan cho phù hợp.

Trao đổi thêm về nội dung này, đại diện UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, mặc dù Luật MTTQ Việt Nam có quy định về giám sát và phản biện xã hội của MTTQ nhưng do đây là luật về tổ chức hoạt động, thẩm quyền nên chưa thể quy định một các đầy đủ về quy trình, thủ tục của phản biện xã hội. Sau này, Nghị quyết 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng mới chỉ làm rõ thêm các hình thức phản biện xã hội còn quy trình thủ tục chưa rõ.

Do đó, cần bổ sung quy trình phản biện xã hội của MTTQ vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng đến hoạt động của MTTQ trở nên thực chất, bảo đảm cho các ý kiến tham gia góp ý của MTTQ được phản hồi, nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Quan tâm đến chất lượng phản biện

Bày tỏ tán thành với việc bổ sung quy trình phản biện xã hội của MTTQ vào quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ lý giải, Luật ban hành cần được lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi nhưng trình độ hay việc nắm bắt thông tin của người dân để góp ý vào các dự án Luật cần phải thông qua các tổ chức của dân mà tập trung nhất là ở MTTQ và các tổ chức thành viên. Đây là những tổ chức có đầy đủ thông tin, nhiều kỹ năng để góp ý phản biện luật. Bên cạnh đó đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cần có thêm quy định về việc bổ sung văn bản phản biện của MTTQ để bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu quả thực thi.

Đồng ý với việc bổ sung quy trình phản biện xã hội của MTTQ, song Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thanh Hồng cho rằng phản biện của MTTQ mới chỉ là một kênh, bên cạnh đó còn có các tổ chức khác như hiệp hội ngành nghề, các tổ chức…Đại biểu đặt vấn đề, dự thảo Luật cần xem xét thêm các chủ thể khác, đồng thời cân nhắc để bảo đảm thực chất hóa các quy định về lấy ý kiến nhân dân, lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, các địa phương.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến bày tỏ băn khoăn về quy trình phản biện xã hội. Đồng tình với đề xuất bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về phản biện của MTTQ song Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cũng đề nghị làm rõ khái niệm phản biện, phân biệt với quy trình góp ý kiến hiện nay; đồng thời cần lưu đến chất lượng của ý kiến phản biện để tránh việc quy định cứng trong Luật nhưng lại chỉ mang tính hình thức.

Còn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương, khái niệm phản biện xã hội mới được đưa vào Luật Mặt trân Tổ quốc năm 2015 nhưng hiểu đầy đủ thế nào là phản biện xã hội hiện còn chưa rõ và thống nhất. Nếu nói phản biện xã hội thì phải là ý kiến chung của xã hội khi đó phải tổ chức lấy ý kiến rất rộng rãi của tất cả các tầng lớp nhân dân. Do đó, vấn đề đặt ra là quy định sao cho thực chất và không chỉ ý kiến của Mặt trận Tổ quốc mới phải được nghiên cứu tiếp thu trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản mà là tất cả các ý kiến góp ý đều phải được cân nhắc, xem xét, nghiên cứu tiếp thu.

Tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: dự thảo Luật bổ sung quy định mang tính nguyên tắc để làm rõ hơn quy trình, bảo đảm đồng bộ gắn kết với Luật MTTQ Việt Nam. Theo đó, hàng năm, MTTQ xây dựng kế hoạch lựa chọn những văn bản, dự án đáp ứng tiêu chí cần phải phản biện theo quy định của Luật MTTQ Việt Nam để thực hiện phản biện.

Theo quochoi.vn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giam-sat-phan-bien/bo-sung-quy-trinh-phan-bien-xa-hoi-cua-mttq-viet-nam-vao-quy-trinh-xay-dung-ban-hanh-luat-tintuc460511