Bộ sưu tập băng cối cổ bạc tỷ của người đàn ông 10 năm đam mê

Vốn yêu thích âm thanh 'nhừa nhựa', không quá chi tiết từ băng cối cổ, anh Phạm Quý Long đã bỏ ra hàng tỷ đồng, hơn 10 năm theo đuổi đam mê này.

Từ cơ duyên về một lần được nghe âm thanh của băng cối tại quán cà phê, anh Phạm Quý Long (biệt danh Tuấn AKAI, ngụ quận 12, TP. HCM), đã đem lòng say mê âm thanh đặc biệt, phát ra từ chiếc băng cối cổ.

Bài liên quan

Có gì độc đáo trong dự án có kiến trúc xanh 3D hàng đầu Việt Nam?

Độc đáo lễ hội cầu ngư - bơi chải thành phố Sầm Sơn

Độc đáo mô hình nuôi cua biển trong nhà ở Hà Nội

Độc đáo quán cà phê trưng bày mô hình Bearbrick đắt đỏ thu hút giới trẻ Hà Nội

Lúc này, anh Long ra sức thuyết phục chủ quán nhượng lại chiếc AKAI GX-270D (ra đời năm 1976) để trở thành chiếc băng cối cổ đầu tiên trong bộ sưu tập. Từ năm 2008 trở về sau, anh bắt đầu hành trình tìm cho “cho bằng được” những chiếc băng cối còn sót lại tại Việt Nam để phát triển bộ sưu tập của mình.

Được biết, khi nhắc đến dòng máy phát nhạc âm thanh analog thì ngôi vị xướng tên đầu băng cối, một âm thanh mộc mạc và rất đặc biệt khi giọng hát của ca sĩ lại bao trùm lên nhạc đệm, tạo một âm thanh rất thật, là sự khác biệt so với loại âm thanh điện tử sau này. Thứ mà anh Long hay gọi là cái âm thanh “nhừa nhựa”, không quá chi tiết, quá “ảo” như các thiết bị hiện đại như hiện nay.

Thời gian đầu khi theo đuổi đam mê, anh Long gặp khá nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn băng cối. “Tôi đã từng nhờ một người chạy xe ôm đi khắp TP. HCM để tìm nguồn băng cối, nhưng tìm cả tháng không thấy, tìm được thì chất lượng cũng không cao. Theo đuổi lĩnh vực này lâu dần, tôi tham gia được vào các hội nhóm có cùng đam mê, từ đó, các nguồn trao đổi băng cối cổ cũng xuất hiện”, anh Long kể.

Nói về băng cối thì cái tên mà bất cứ dân chơi nào cũng nghĩ đến đầu tiên đó là AKAI - thương hiệu âm thanh Nhật Bản đã bị "khai tử" năm 2000, đây cũng là một trong những thương hiệu mà anh Long yêu thích nhất.

Ngoài ra thì còn những cái tên khác như: TEAC, REVOX, AMPEX, STUDER, TESLA và PIONEER,…

Đa phần băng cối trên thị trường hiện nay được các dân chơi âm thanh sưu tầm. Và trao đổi giữa những người chơi với nhau. Đôi khi họ cũng mua bán qua các trang web điện tử trong nước và cả nước ngoài. Hiện nay giá của băng cối trên thị trường cũng rất đắt. Có những chiếc có giá từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng hoặc thậm chí là vài tỉ đồng. Tùy thuộc vào loại đầu, mới cũ, độ hiếm… khác nhau mà mỗi đầu sẽ có giá dao động khác nhau.

Tuy nhiên, anh Long không quá quan tâm vào giá cả mà chỉ thật sự thích và sẵn sàng mua khi máy có hình thức đẹp, còn nguyên thùng, nguyên kiện. “Những cái thùng xốp đựng băng cối thật ra rất quý. Hiếm khi tìm được máy nào là đồ cổ mà còn nguyên thùng, nguyên kiện cả. Có những máy mấy chục tuổi đời nhưng vẫn còn nguyên, không khác gì lúc mới mua”, anh Long nói.

Đầu băng cối có cấu tạo rất rõ rệt gồm 2 phần chính đó là phần cơ và mô tơ, ngoài ra một số model cũ chỉ sử dụng duy nhất một mô tơ bằng cách truyền động qua các bánh cao su. Cấu tạo quan trọng nhất để trục chuyển động êm ái đó là capstan, chúng có nhiệm vụ kéo sợi băng theo phương hướng và tốc độ định sẵn. Bên cạnh đó là một bánh cao su ép sát trục capstan, giữ sợi băng cố định, không bị chệch.

Nói về cách bảo quản, anh cho rằng đầu băng cối Akai khá bền nên chỉ cần để nơi khô ráo và độ ẩm thấp là được. Trong khi đó, băng cối cần bảo quản kỹ hơn, cho vào hộp và đặt trong tủ hút ẩm chuyên dụng là tốt nhất, không nên để ở những nơi quá nóng hoặc quá lạnh.

Không riêng băng cối cổ, anh Long còn sưu tập nhiều thứ đồ cổ có giá trị khác như Máy loa kèn cổ hiệu Victor sản xuất năm 1904, những chiếc máy cassette cổ,…

Một trong những chiếc máy mà anh thích nhất là chiếc băng cối hiệu STUDER – hiện số lượng rất hiếm, chỉ còn vài chiếc ở Việt Nam. Chiếc băng cối này đặc biệt ở chỗ có thể phát băng cỡ lớn, xoay hai chiều thay vì một chiều như những chiếc khác. Người nghe có thể nghe đi nghe lại bài nhạc mà không cần phải tháo, quấn băng lại.

“Nhiều người trẻ cũng tìm đến tôi để tìm hiểu về băng cối cổ. Hôm trước, có một cậu trai đến ‘đòi’ tôi phát băng cối cho nghe. Cậu này ngồi nghe đi nghe lại từ sáng đến trưa. Cho tới khi tôi nói quán phải đóng cửa thì người này mới đi về. Thấy người trẻ quan tâm đến những thứ cổ xưa, bản thân tôi cũng thấy rất vui”, anh cười, nói.

Tính đến thời điểm hiện tại, anh Long đã sưu tập và bán ra hàng nghìn chiếc băng cối cổ, tổng giá trị trong việc mua bán, bảo trì, chăm sóc máy,… lên đến hàng tỉ đồng.

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-suu-tap-bang-coi-co-bac-ty-cua-nguoi-dan-ong-10-nam-dam-me-post199984.html