Bộ Tài chính: Chứng khoán bị lũng đoạn do nhà đầu tư, doanh nghiệp
Bộ Tài chính nêu ra một loạt tồn tại, hạn chế trên thị trường chứng khoán, trái phiếu, nhưng lại không nhắc tới trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có báo cáo gửi các vị đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XI.
Một trong những nhóm vấn đề chính được Bộ Tài chính báo cáo là hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua. Bên cạnh đó là các giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đưa ra giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới.
Thao túng chứng khoán ngày càng tinh vi
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, thị trường vốn trong nước đã duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân trên 28,5%/năm suốt giai đoạn 2016-2021 vừa qua. Trong đó, riêng năm 2021, thị trường đã tăng trưởng tới 33,2%.
Tính đến cuối quý I/2022, quy mô thị trường vốn ước đạt 134,5% GDP năm 2021, trong đó vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ là 22,7% GDP; quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 16,4% GDP. Bộ Tài chính cho biết các chỉ số này đã cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng với quy mô dư nợ tín dụng là 131,8% GDP.
Cũng tại báo cáo này, Bộ Tài chính đã nêu ra một loạt tồn tại, hạn chế trên thị trường chứng khoán và trái phiếu thời gian qua.
Cụ thể, trên thị trường cổ phiếu, chứng khoán phái sinh thời gian qua đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng (điển hình là vụ việc của FLC và Louis).
Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết thị trường này đã tăng trưởng nhanh dẫn tới phát sinh rủi ro. Trong đó, một bộ phận nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật đã gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu riêng lẻ.
Bên cạnh đó, một số tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá...) chưa tuân thủ quy định pháp luật trong việc tư vấn hồ sơ chào bán, kiểm toán báo cáo tài chính, định giá tài sản đảm bảo hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư, đang bị các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm, như vụ việc của Tân Hoàng Minh.
Ngoài ra, tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế, một số doanh nghiệp sử dụng vốn cho mục đích không rõ ràng.
Tại nhà đầu tư và doanh nghiệp?
Tuy nhiên, khi nêu nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế kể trên, phần lớn lý do được Bộ Tài chính đưa ra lại đến từ vi phạm của các nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia thị trường, trong khi vai trò của cơ quan quản lý trong các tồn tại, hạn chế này ít được nhắc tới.
Cụ thể, nguyên nhân đầu tiên được Bộ Tài chính đưa ra là do tính tuân thủ của một số doanh nghiệp phát hành chưa cao. Trong đó, có doanh nghiệp cố tình vi phạm và thông đồng với các công ty chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ để thực hiện các hành vi gian lận trên thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ cũng cho rằng nhận thức của nhà đầu tư còn hạn chế, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân, dù đã được thông tin, cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn đầu tư theo tâm lý đám đông, tin đồn, chưa có kinh nghiệm phân tích, khả năng quản lý tài chính, đầu tư. Thậm chí, có nhiều cá nhân đã đầu tư theo hình thức hợp đồng góp vốn do đó không được coi là chủ sở hữu trái phiếu.
Nguyên nhân khác được Bộ Tài chính đưa ra là do tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp của một số tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao, một số tổ chức trung gian (ngân hàng, công ty chứng khoán) cung cấp thông tin không đầy đủ để lôi kéo khách hàng cá nhân. Bên cạnh đó, có trường hợp doanh nghiệp hỗ trợ lập hồ sơ chào bán có thông tin chưa chính xác, hoặc hỗ trợ hợp thức hóa hồ sơ xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để được mua trái phiếu riêng lẻ.
Dưới góc độ pháp lý, Bộ Tài chính cho biết thị trường chứng khoán tăng trưởng quá nhanh trong 2 năm gần đây. Điều này đã phát sinh nhiều hành vi vi phạm tinh vi, gian lận trong khi quy định về mức xử phạt còn nhẹ, chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe; quy định về thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi kiểm tra, thanh tra chưa đảm bảo khả năng giám sát toàn diện đối với những hành vi vi phạm mới phát sinh; điều kiện phát hành trái phiếu và điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán tương đối thấp.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cho rằng thị trường vẫn trong giai đoạn đầu phát triển nên còn bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố tâm lý. Trước tác động của các thông tin quốc tế và trong nước bất lợi, các tin đồn thất thiệt, lo ngại về yếu tố dòng tiền, áp lực lạm phát nên thị trường chứng khoán đã có nhiều phiên giảm mạnh thời gian gần đây.
Với các hạn chế, tồn tại kể trên, trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp, từ phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ, hoàn thiện khung pháp lý, cho tới tăng cường quản lý giám sát thị trường.
Trong đó, Bộ dự kiến rà soát, đề xuất sửa đổi các chính sách nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của các công ty chứng khoán, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Bộ Tài chính cũng có kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Đồng thời tiếp tục phối hợp với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng, phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra.