Bộ Tài chính công bố công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2024

Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 2715/QĐ-BTC về việc công bố công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Theo đó, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 cụ thể như sau:

Tổng thu cân đối NSNN là 1.700.988 tỷ đồng, trong đó: Thu nội địa: 1.444.413 tỷ đồng; thu từ dầu thô: 46.000 tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu: 204.000 tỷ đồng; thu viện trợ: 6.575 tỷ đồng.

Chi đầu tư phát triển năm 2024 là 677.349 tỷ đồng.

Chi đầu tư phát triển năm 2024 là 677.349 tỷ đồng.

Tổng chi NSNN là 2.119.428 tỷ đồng, trong đó: Chi đầu tư phát triển: 677.349 tỷ đồng; chi trả nợ lãi: 111.714 tỷ đồng; chi viện trợ: 2.200 tỷ đồng; chi thường xuyên: 1.175.720 tỷ đồng; chi cải cách tiền lương và điều chỉnh tiền lương, một số chế độ trợ cấp, phụ cấp, chính sách an sinh xã hội: 74.048 tỷ đồng.

Trước đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 104/2023/QH15 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2024.

Bên cạnh các chỉ tiêu về thu, chi NSNN, Quốc hội quyết định mức bội chi NSNN là 399.400 tỷ đồng, tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm: Bội chi ngân sách trung ương là 372.900 tỷ đồng, tương đương 3,4%GDP. Bội chi ngân sách địa phương là 26.500 tỷ đồng, tương đương 0,2%GDP. Tổng mức vay của NSNN là 690.553 tỷ đồng.

Quốc hội giao Chính phủ tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác; kịp thời ứng phó với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Chính phủ nghiên cứu có giải pháp báo cáo Quốc hội sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về thuế để khắc phục đà suy giảm các chỉ tiêu về tỷ lệ huy động vào NSNN trên GDP và tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN./.

Quốc hội giao Chính phủ kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ.

Đồng thời, đánh giá, dự báo rủi ro về khả năng vay, khả năng trả nợ để có phương án quản lý, điều hành hiệu quả NSNN; chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công…/.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-tai-chinh-cong-bo-cong-khai-du-toan-ngan-sach-nha-nuoc-nam-2024-141976.html