Bộ Tài chính đã không nhìn đại cục
Liên quan việc Bộ Tài chính trong dự thảo mới nhất không đồng ý hồi tố khoản tiền lên đến gần 5.000 tỉ đồng của doanh nghiệp bị 'giam' do Nghị định 20/2017 về áp trần tỷ lệ lãi vay năm 2017 - 2018, chia sẻ với Thanh Niên gần đây, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng Bộ Tài chính đã bảo thủ và không nhìn đại cục
Hơn 2.000 doanh nghiệp các lĩnh vực vẫn đang chờ được sửa đổi Nghị định 20/2017 để vượt qua khó khăn. Ảnh: Chí Hiếu
Nên đình chỉ việc thi hành Nghị định 20
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc, khi dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3, điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP được trình Chính phủ vào đầu tháng 3, VCCI đã có văn bản gửi Thủ tướng vì các nội dung trong dự thảo này có nhiều thay đổi so với bản được lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) trước đó. Trong đó, nội dung cho phép áp dụng cho kỳ tính thuế 2017 và 2018 đã không còn trong bản dự thảo trình Chính phủ.
Có doanh nghiệp đã lỗ nặng nhưng vẫn phải nộp thêm khoản thuế cả trăm tỉ đồng thì thật không tưởng tượng nổi.
Bởi thế, việc sửa Nghị định 20 với nội dung cho hồi tố sẽ là tin vui giúp doanh nghiệp có thêm niềm tin và sức sống
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico
Đây đúng là một quy định hồi tố và trường hợp hồi tố này có lợi cho DN, thuộc các trường hợp được phép theo luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nếu không cho phép thì sẽ tước đi quyền lợi chính đáng của các DN. Trước viện dẫn của Bộ Tài chính rằng “việc áp dụng hồi tố năm 2017 và 2018 có thể tạo cơ chế xin cho, gây khó khăn cho công tác quản lý thuế”, ông Lộc nói thẳng trong thực tế đã có một số trường hợp cho hồi tố, như trong lĩnh vực thuế thu nhập DN có Nghị định số 91/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều trong các nghị định về thuế (khoản 8, điều 1).
“Mục tiêu của Nghị định 20 là ngăn chặn tình trạng gian lận thuế trong các giao dịch giữa các DN có quan hệ liên kết, chống hiện tượng kê khai chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước, nhưng phải đảm bảo không làm khó các DN trong nước. Trong giai đoạn hiện nay, việc thu hút DN đầu tư vào các dự án kinh doanh lớn, dài hạn đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi các dự án này lại là những trụ cột quan trọng của nền kinh tế, giúp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng và là điểm tựa cho nhiều ngành kinh tế khác phát triển”, ông Lộc nhấn mạnh.
TS-LS Châu Huy Quang, Công ty luật Rajah & Tann LCT, cũng khẳng định luật Quản lý thuế vẫn có quy định cho phép xử lý số tiền thuế nộp thừa. Cụ thể, điều 60 và điều 70 luật này đều đưa ra nguyên tắc DN sẽ được hoàn thuế nộp thừa. Tương tự, điều 33 Thông tư 156/2013/NĐ-CP cũng có cơ chế cho phép người nộp thuế bù trừ tự động số tiền thuế nộp thừa với số thuế phải nộp tại kỳ nộp thuế tiếp theo.
Tuy nhiên, luật Quản lý thuế cũng không có quy định cụ thể quyền hạn của Cơ quan Quản lý thuế đối với trường hợp xử lý số thuế nộp thừa khi thay đổi chính sách pháp luật. Đây là điểm mở của pháp luật mà Bộ Tài chính có thể đề xuất bổ sung.
“Do đó, để đảm bảo hài hòa quyền lợi của DN và cơ quan quản lý thuế, tôi cho rằng có thể áp dụng phương pháp khấu trừ dần qua nhiều kỳ tính thuế, căn cứ theo khảo sát với từng nhóm DN. Là cơ quan chủ quản của hoạt động quản lý, chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác thu thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước…, tôi tin rằng Bộ Tài chính có đủ thẩm quyền để đề xuất phương án hoàn thuế phù hợp, đặc thù cho trường hợp này”, luật sư Châu Huy Quang nói và đề xuất Chính phủ xem xét áp dụng quy định tại điều 12 luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đình chỉ một phần việc thi hành Nghị định 20 nhằm hạn chế tối đa tác động không đáng có của nghị định này đối với bộ phận DN bị ảnh hưởng.
Công bằng cho hàng triệu người
“Luật thuế quy định rất “ghê gớm” là thời hạn truy thu thuế đối với những hành vi vi phạm lên tới 10 năm. Vậy tại sao, với những khoản nộp thừa lại không bù trừ cho DN vào các năm tiếp theo? Vấn đề là phải sòng phẳng, sai phải sửa. Nếu DN có dấu hiệu trốn thuế, chuyển giá thì 1 đồng cũng phải thu. Nhưng đây là thu sai, DN không chuyển giá, không ăn bớt”, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, nêu quan điểm. Ông phân tích việc hồi tố là đầy đủ cơ sở pháp lý bởi điều 152 luật Ban hành văn bản pháp luật năm 2015 đã nêu rõ, không được quy định hiệu lực trở về trước (hiệu lực hồi tố) đối với các trường hợp quy định trách nhiệm pháp lý mới hoặc nặng hơn trước đó. Ngược lại, thì được phép hồi tố trong trường hợp cần thiết “để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân”. Điều này cũng đã được Bộ Tư pháp cho ý kiến khẳng định là không vướng mắc.
Việc tháo gỡ khó khăn về chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập DN cho các DN và cho phép DN được hồi tố các năm 2017 - 2018 sẽ có tác động rất tích cực trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ giảm tốc bởi nhiều lý do, trong đó có tình hình dịch bệnh Covid-19.
Ông Vũ Tiến Lộc
“Bộ Tài chính chỉ căn cứ vào một trường hợp là vì “lợi ích chung” mà bỏ qua trường hợp nữa là vì “quyền lợi của tổ chức”. Không những thế, việc hồi tố này còn vì cả hai lợi ích, ngoài vì các DN, thì còn vì cả “lợi ích chung”. Tôi chỉ nêu một ví dụ nhỏ để mọi người cùng hiểu. Tập đoàn điện lực VN vì Nghị định 20 mà phải nộp thêm cả khoảng 500 tỉ đồng tiền thuế, dẫn tới tăng giá điện. Như thế, lợi ích chung của người dùng phải nộp tiền “oan” để bù vào khoản này cho ngành điện. Khi ấy, người bị ảnh hưởng sẽ là hàng triệu con người trên đất nước này, đâu phải chỉ riêng một đối tượng nào. Đó chỉ là một ví dụ, trong khi ở trường hợp này là hàng nghìn DN bị tác động, sức ảnh hưởng lớn hơn gấp nhiều lần. Nên việc hồi tố không những là đảm bảo lợi ích chung của xã hội, của DN mà quan trọng hơn là còn củng cố niềm tin vào pháp luật”, ông Đức nói.
Thực tế, việc hồi tố cũng đã có tiền lệ nhiều lần trong trường hợp tương tự. Ví dụ năm 2014, Nghị định 91/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã có quy định cho phép DN hồi tố áp dụng chuyển đổi ưu đãi do chấm dứt ưu đãi theo điều kiện xuất khẩu do thực hiện cam kết với WTO cho các năm trước đó. Khoản thuế chênh lệnh do áp dụng quy định này sau đó được chính Bộ Tài chính hướng dẫn tại Thông tư 151/2014/TT-BTC là “khoản thuế nộp thừa và được hoàn lại hoặc bù trừ với nghĩa vụ thuế của các năm sau”.
“Tình hình các DN đang vô cùng khó khăn. Thực tế, có DN đã lỗ nặng nhưng vẫn phải nộp thêm khoản thuế cả trăm tỉ đồng thì thật không tưởng tượng nổi. Bởi thế, việc sửa Nghị định 20 với nội dung cho hồi tố sẽ là tin vui giúp DN có thêm niềm tin và sức sống”, ông Đức nói.