Bộ Tài chính đã phát hiện, chuyển cơ quan điều tra 71 vụ có dấu hiệu tham nhũng
Các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính đã phát hiện 71 vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực chuyển cơ quan điều tra, xử lý.
Ngày 29/7, Đoàn Kiểm tra số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC), do Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai làm trưởng đoàn làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tài chính.
Nội dung làm việc để thông báo kết quả kiểm tra công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.
Ban hành 333 kết luận giám định, định giá tài sản
Bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nội dung này của Ban cán sự đảng Bộ Tài chính thời gian qua.
Trong 10 năm qua, các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện 71 vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực chuyển cơ quan điều tra để điều tra, xử lý; tiếp nhận, giải quyết 191 nguồn tin về tội phạm, đã khởi tố, kiến nghị khởi tố, chuyển cơ quan điều tra xử lý đối với 164 nguồn tin về tội phạm.
Công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực được quan tâm chỉ đạo thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính đã tiếp nhận 478 Quyết định trưng cầu giám định và yêu cầu định giá tài sản từ các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong đó có 61 quyết định trưng cầu giám định trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC theo dõi, chỉ đạo.
Ngoài ra, các cơ quan đã ban hành 333 kết luận giám định, định giá tài sản (có 53 kết luận giám định trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC theo dõi, chỉ đạo).
Tiến độ, chất lượng các kết luận giám định, định giá cơ bản đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc.
Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa
Tuy nhiên, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lưu ý, bên cạnh đó vẫn còn có những tồn tại, hạn chế. Cụ thể như vẫn còn việc chưa kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trong một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính…
Việc phát hiện và xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Tài chính chưa được quan tâm chú trọng; số vụ việc có dấu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực được phát hiện, chuyển cơ quan điều tra còn ít.
Công tác quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên tại một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, còn để xảy ra việc một số cán bộ, đảng viên vi phạm, bị xử lý kỷ luật Đảng, truy cứu trách nhiệm hình sự. Công tác giám định, định giá tài sản phục vụ giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực có mặt chưa đáp ứng yêu cầu.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Tài chính thường xuyên kiểm tra, rà soát công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và giám định, định giá tài sản để khắc phục những tồn tại, hạn chế, sai sót trong công tác này.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức Đảng, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chuyên môn để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa; kịp thời phát hiện những vi phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Bà Mai cũng lưu ý đến việc thực hiện nghiêm cơ chế chỉ đạo phối hợp xử lý sai phạm về tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC.
Đồng thời, quan tâm xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý và cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Tài chính chỉ đạo rà soát, xử lý, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý một số vụ việc cụ thể, nhất là các vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Cùng ngày, Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị và Ban Bí thư (gọi tắt là Đoàn kiểm tra 544 - được thành lập theo Quyết định số 544 của Ban Bí thư) tổ chức Hội nghị triển khai quyết định của Ban Bí thư năm 2022 đối với Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Ban Bí thư đã có quyết định về kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ và việc chấp hành Quy định số 08 về trách nhiệm nêu gương…
Ban Bí thư giao cho Đoàn kiểm tra 3 tổ chức Đảng gồm: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh, Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước và Đảng đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Phó Thủ tướng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất quan tâm, coi trọng, xem đây là một công cụ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.
Từ đầu năm 2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã triển khai nhiều đoàn tổ chức kiểm tra ở 30 tổ chức đảng trên phạm vi toàn quốc. Đoàn kiểm tra 544 triển khai kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Quy định số 08.