Bộ Tài chính đã thực hiện quyết liệt Đề án 06

Sáng 10/6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ 'điểm nghẽn' trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.

Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang đồng chủ trì hội nghị. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và trụ sở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đề án góp phần thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, việc triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 là một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số ở nước ta trong thời gian qua, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, các thành viên Tổ công tác, các bộ, ngành, địa phương triển khai tương đối đồng bộ, tích cực, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại hội nghị.

Việc triển khai Đề án 06 đã mang lại những kết quả cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, ngành, địa phương và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Đề án 06 đã đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đổi mới phương thức quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được của Đề án 06, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, "ngủ quên trong chiến thắng". Cách đây 1 năm, trong quá trình triển khai Đề án 06, chúng ta đã nhận diện nhiều khó khăn, thách thức và "điểm nghẽn" cần phải tập trung tháo gỡ ngay, liên quan đến pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh, an toàn, nguồn nhân lực...

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và trụ sở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: Minh Đức

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và trụ sở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: Minh Đức

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ (tại văn bản số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023). Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị yêu cầu thực hiện đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu thuế, ngân hàng, viễn thông... để định danh, xác thực cá nhân, tổ chức trên môi trường điện tử; phòng ngừa hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới (Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023).

Với mục tiêu xuyên suốt là đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch; hình thành hệ sinh thái công dân số và cung cấp nhiều tiện ích cho người dân; phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; phòng chống tiêu cực, gian lận thương mại và thất thoát thuế, Hội nghị sẽ tập trung sơ kết 01 năm triển khai tháo gỡ các "điểm nghẽn" của Đề án 06 và thực hiện nhiệm vụ tại Chỉ thị số 18.

Tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu đánh giá một cách thẳng thắn, khách quan, có số liệu minh chứng cụ thể về kết quả thực hiện nhiệm vụ được đề ra tại Văn bản số 452 và Chỉ thị số 18, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo của các cấp, ngành và địa phương trong triển khai Đề án 06 và Chỉ thị số 18.

Bên cạnh đó, chỉ ra bài học kinh nghiệm, xác định rõ các quan điểm, phương hướng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong ngắn hạn và dài hạn; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ đạo mới, bài bản và hiệu quả, bền vững hơn nữa.

Triển khai nhiều giải pháp quản lý thu thuế thương mại điện tử

Báo cáo kết quả 1 năm triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, phát triển thương mại điện tử là một xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng 4.0. Hiện nay, thương mai điện tử của Việt Nam, theo đánh giá của Bộ Công thương là 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về thương mại điện tử nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo kết quả 1 năm triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam.

Từ đó đặt ra yêu cầu về quản lý thuế, quản lý về chất lượng hàng hóa, chống lừa đảo. Thực hiện Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh và chia sẻ dữ liệu thương mại điện tử, chống thất thu thuế. Đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 56 ngày 26/6/2024.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, có 4 nội dung giao cho Bộ Tài chính đã được thực hiện quyết liệt và đạt những kết quả tích cực.

Về hoàn thiện pháp lý, hiện nay Bộ Tài chính đang thực hiện việc định danh và xác thực điện tử; thực hiện Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Nghị định 59 và rà soát lại các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử.

Theo báo cáo của Bộ Công an, có 3 việc Bộ Tài chính đã hoàn thành. Thứ nhất là nghị định về chi thường xuyên cho các dự án đã có, hiện nay đã trình và đang chờ Chính phủ ban hành. Thứ hai, nghị định về giá dịch vụ công đã hoàn thành (đang trình). Thứ ba là vấn đề phân bổ vốn cho các bộ, ngành.

Về xây dựng và chia sẻ dữ liệu, hiện nay việc chia sẻ dữ liệu thuế, mã số thuế định danh theo căn cước công dân, đến 3/6/2024 đã đạt 97,57%. Đây là một sự tích cực của ngành tài chính bởi phải làm sạch dữ liệu, tập hợp dữ liệu, công nghệ phù hợp thì mới chia sẻ được.

Bộ Công thương đã chia sẻ dữ liệu về 929 sàn giao dịch thương mại điện tử, tương ứng với 847 doanh nghiệp (DN) là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (1 DN có thể sở hữu nhiều sàn) và 284 ứng dụng bán hàng trên mạng. Cơ quan thuế đã thực hiện rà soát, đối chiếu thông tin với 350 DN sở hữu sàn thương mại điện tử đang thực hiện việc cung cấp thông tin trên Cổng thông tin thương mại điện tử của Tổng cục Thuế.

Quang cảnh tại điểm cầu Bộ Tài chính. Ảnh: Đức Minh

Quang cảnh tại điểm cầu Bộ Tài chính. Ảnh: Đức Minh

Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất danh mục dữ liệu kết nối, chia sẻ với Bộ Tài chính (cơ quan thuế) đã bước đầu hoàn thành việc chia sẻ cơ sở dữ liệu với Bộ Tài chính, đến nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã chia sẻ với Bộ Tài chính 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh, truyền hình.

Về kê khai, nộp thuế, Bộ Tài chính đã áp dụng định danh và xác thực điện tử đối với: cá nhân thực hiện đăng ký kê khai, nộp thuế; dịch vụ chữ ký số, viễn thông, tên miền; cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng; đang triển khai khuyến khích các sàn giao dịch thương mại điện tử áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của tổ chức, cá nhân cho cơ quan thuế từ năm 2022 theo quy định của Luật Quản lý thuế, đến nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai phối hợp với cơ quan thuế các cấp trao đổi về số liệu của 144 triệu tài khoản thanh toán của tổ chức, cá nhân tại 96 ngân hàng thương mại.

Đề cập tới kết quả quản lý thuế với thương mại điện tử tại Việt Nam, triển khai hóa đơn điện tử, máy khởi tạo tính tiền, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Đến nay đã có 61.009 cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng hóa đơn đã sử dụng là 464,8 triệu hóa đơn. Đối với việc áp dụng HĐĐT trong lĩnh vực kinh doanh vàng thì 100% các doanh nghiệp (9.419 DN) đã áp dụng hóa đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có 7.225 DN, cơ sở kinh doanh vàng, bạc đã thực hiện áp dụng giải pháp HĐĐT khởi tạo từ MTT với số lượng hóa đơn đã sử dụng là 1,34 triệu hóa đơn.

Theo số liệu quản lý thuế, đến năm 2024 thì ngành Thuế đang quản lý 123.759 người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT, trong đó: cá nhân là 88.147, DN bán hàng hóa thông qua sàn giao dịch TMĐT là 35.131, DN là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT là 361, DN lớn hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng là 24, nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam là 96.

Theo Bộ trưởng, số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT năm 2022 là 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023 số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2024 số thuế đã nộp trên 50 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến nay đã có 96 NCCNN đã kê khai, nộp thuế với số thuế là trên 15,6 nghìn tỷ đồng.

Tại hội nghị, Bộ trưởng cũng đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai chỉ thị 18 và công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Thay mặt Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đã đề xuất một số giải pháp trọng tậm triển khai trong thời gian tới, như: Đẩy mạnh kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt dữ liệu dân cư, dữ liệu thương mại điện tử, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng… để đối chiếu một cách nhanh chóng yêu cầu kê khai nộp thuế, yêu cầu thanh tra kiểm tra; cần phải rà soát lại các nghị định, thông tư liên quan đến thương mại điện tử để sửa cho phù hợp.

Xây dựng Cổng Thông tin đăng ký kê khai thuế của sàn thương mại điện tử trong nước, đôn đốc kê khai, chọn thanh tra, xử lý một số trường hợp trốn thuế; đồng bộ liên thông dữ liệu thông tin hàng hóa; áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, bởi thanh toán không dùng tiền mặt càng nhiều thì quản lý và thu thuế càng cao.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cần đẩy mạnh quản lý hoạt động thương mại điện tử qua mạng xã hội để thu thuế vì giờ người ta livestream, bán hàng qua mạng xã hội rất nhiều. Chúng ta phát triển mạng xã hội cùng với việc đối chiếu với ngân hàng thì sẽ thu được nguồn thuế rất lớn./.

Minh Đức

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-tai-chinh-da-thuc-hien-quyet-liet-de-an-06-152626.html