Bộ Tài chính đẩy mạnh xử lý 'đất vàng' lãng phí
Sau khi Bộ Tài chính 'thúc' bộ ngành, địa phương có phương án sắp xếp nhà, đất công không sử dụng, tiềm ẩn lãng phí, nhiều đơn vị có văn bản trả lại nhà nước để xử lý. Để tiếp tục đẩy nhanh sắp xếp nhà, đất công tránh nguy cơ lãng phí, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất với Chính phủ có những giải pháp mạnh hơn về vấn đề này.
Để lãng phí có thể thu hồi
Hiện nay, nhiều bộ ngành có hệ thống nhà khách, khu nghỉ dưỡng trải dài trên cả nước. Do thời gian xây dựng đã lâu, đến nay nhiều khu nghỉ dưỡng cũ nát, hoạt động cầm chừng hoặc bỏ hoang lãng phí. Mới đây, Bộ Tài chính có văn bản gửi Bộ ngành, địa phương về việc đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà đất. Theo đó, chậm nhất ngày 31/5, Bộ ngành, cơ quan trung ương, tỉnh thành phố trên cả nước hoàn thành rà soát cơ sở nhà đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý. Từ đó, xác định chính xác số nhà, đất phải sắp xếp lại, kê khai báo cáo, lập và phê duyệt phương án xử lý.
“Đối với Bộ, ngành, địa phương còn nhiều cơ sở nhà, đất chưa phê duyệt phương án xử lý; các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, đảm bảo đến hết năm 2023, cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án xử lý nhà, đất”, Bộ Tài chính yêu cầu.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu, UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ, cơ quan trung ương sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất do tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trung ương quản lý trên địa bàn.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, nhà, đất (trong đó gồm nhà, đất là nhà nghỉ, khách sạn của các bộ, ngành) do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước do Trung ương quản lý, sử dụng thuộc phạm vi áp dụng của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2021/NĐ-CP) của Chính phủ. Nhà, đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống thì thực hiện theo pháp luật đất đai, pháp luật cổ phần hóa, pháp luật doanh nghiệp; không thực hiện theo các nghị định trên.
Các hình thức xử lý gồm: Giữ lại tiếp tục sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý, bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất…
“Cục Quản lý công sản đang được Bộ Tài chính giao chuẩn bị báo cáo Chính phủ để có những giải pháp mạnh hơn nữa nhằm đẩy nhanh tiến độ sắp xếp nhà đất của bộ ngành trung ương”, ông Thịnh cho biết.
Theo quy định hiện hành, đối với nhà, đất thuộc quy hoạch phải thu hồi hoặc nhà, đất để hoang hóa, gây lãng phí, không còn nhu cầu sử dụng thì có thể xử lý theo phương án thu hồi theo quy định.
Bộ Tài chính yêu cầu, Bộ ngành địa phương, UBND các tỉnh, thành phố còn nhiều cơ sở nhà, đất chưa phê duyệt phương án xử lý cần đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện. Đến hết năm 2023, đơn vị phải hoàn thành phương án xử lý nhà đất.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nhiều cơ quan trung ương và bộ ngành có hệ thống nhà khách, nhà nghỉ ở nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, do đầu tư xây dựng đã lâu nên cũ nát, hoạt động kém hiệu quả khó cạnh tranh, khó thu hút khách.
“Cơ quan quản lý cần đưa ra cơ chế chung để xử lý hệ thống nhà khách, khu nghỉ dưỡng của cơ quan trung ương. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập, có thể xử lý để chuyển thành công ty cổ phần”, ông Ánh kiến nghị.
Án ngữ đất vàng rồi bỏ hoang
Đồ Sơn (Hải Phòng) là một trong những địa phương có nhiều nhà đất của đơn vị công bỏ hoang, lãng phí. Theo tính toán, hiện nay, Đồ Sơn có gần 20 cơ sở kinh doanh không hiệu quả gây lãng phí tài nguyên đất. Trong đó, có 7 khu đất do các bộ, ngành quản lý sau khi thoái vốn nhà nước. Có tới 8 dự án, công trình được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án không sử dụng đất 12 tháng liên tục.
Trước thực tế này, UBND quận Đồ Sơn đề nghị UBND TP Hải Phòng kiến nghị với Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành chuyển giao các tài sản về UBND Hải Phòng quản lý và có hướng đầu tư, phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Được biết, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng giao Sở Tài chính chủ trì cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND quận Đồ Sơn rà soát các cơ sở nhà, đất do các bộ, ngành, cơ quan trung ương đang quản lý (không bao gồm tài sản của Đảng) tại khu du lịch Đồ Sơn. Sau đó dự thảo văn bản để báo cáo Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương chuyển giao các tài sản trên về thành phố quản lý, xử lý theo quy định để phục vụ phát triển du lịch.
Cùng chung tình trạng này, trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa có văn bản gửi tới cơ quan chức năng đề nghị thanh tra hoạt động nhà khách, khách sạn, trung tâm nghỉ dưỡng trực thuộc các bộ, ban ngành, đoàn thể trung ương trên địa bàn. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa, các cơ sở này đều được xây dựng trên những khu đất vàng có giá trị thương mại cao tại TP Sầm Sơn. Tuy nhiên, hầu hết cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị đã xuống cấp.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bo-tai-chinh-day-manh-xu-ly-dat-vang-lang-phi-post1538167.tpo