Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định về phương án tài chính của dự án PPP
Tại dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định về phương án tài chính của dự án PPP nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế triển khai các dự án PPP của các bộ, ngành và địa phương.
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) được ban hành đã tạo một khuôn khổ pháp lý chung, có hiệu lực cao, lâu dài, ổn định hơn cho việc thực hiện các dự án PPP tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong phạm vi của Luật chưa thể quy định chi tiết một số nội dung.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành một số nội dung tại Luật PPP.
Tổng hợp quy định tại Luật PPP, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết 18 điều/nội dung; trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức PPP, cụ thể gồm 5 điều khoản sau: Khoản 4 Điều 60: Quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; Khoản 3 Điều 67: Trình tự, thủ tục xử lý tài sản chuyển giao; Khoản 3 Điều 69: Sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP; Khoản 4 Điều 78: Phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự án PPP; Khoản 5 Điều 82: Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.
Ngoài 5 nội dung trên, tại khoản 1 Điều 91 về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính quy định, Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế tài chính trong đầu tư theo phương thức PPP.
Thực hiện quy định nêu trên và yêu cầu thực tế triển khai các dự án PPP của các bộ, ngành và địa phương, kế thừa nội dung đã được Bộ Tài chính hướng dẫn tại các Thông tư hướng dẫn các Nghị định của Chính phủ về đầu tư theo phương thức PPP thời gian qua, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nội dung quy định về phương án tài chính của dự án PPP trong dự thảo Nghị định. Phương án tài chính của dự án PPP được đề xuất cơ bản kế thừa các nội dung đã được Bộ Tài chính hướng dẫn tại các Thông tư hướng dẫn Nghị định của Chính phủ về đầu tư theo phương thức PPP trước đây.
Theo đó, dự thảo Nghị định quy định, phương án tài chính của dự án PPP được xây dựng trên cơ sở dòng tiền sau thuế được chiết khấu về giá trị hiện tại theo tỷ suất chiết khấu bình quân gia quyền của lãi suất các nguồn vốn dự án huy động thực hiện dự án PPP. Quy định mới này nhằm giải quyết các vướng mắc trong xác định nghĩa vụ về thuế và dòng tiền để tính toán các chỉ tiêu tài chính của các dự án BOT trong thời gian qua.
Phương án tài chính gồm 8 nội dung phải được xác định rõ trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, khả thi dự án làm cơ sở cho cơ quan nhà nước xem xét quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án gồm: tổng mức đầu tư dự án; các nguồn vốn thực hiện dự án; đề xuất ưu đãi, bảo đảm nếu có; lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu; dự kiến các khoản chi phí trong giai đoạn vận hành; phương án thu hồi vốn đầu tư, lợi nhuận của nhà đầu tư; các khoản nộp ngân sách nhà nước nếu có đối với các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng O&M (Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý); các chỉ tiêu phân tích, đánh giá tính khả thi tài chính của dự án.
Dự thảo Nghị định cũng quy định về căn cứ xác định vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải đảm bảo khi tham gia thực hiện dự án PPP bao gồm: báo cáo tài chính của nhà đầu tư đã được đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán đối với trường hợp nhà đầu tư là tổ chức đã được thành lập từ 01 năm trở lên, mới thành lập trong năm; báo cáo về sử dụng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.
Việc huy động vốn của doanh nghiệp dự án thông qua hoạt động vay, phát hành trái phiếu doanh nghiệp tính đến thời điểm đàm phán hợp đồng để đảm bảo khả năng tài chính thực hiện dự án của chủ đầu tư cũng được quy định tại dự thảo Nghị định.
Quy định về phương án tài chính của dự án PPP theo dự thảo Nghị định nếu được thông qua sẽ tạo căn cứ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư thực hiện dự án PPP. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý thực hiện dự án.