Bộ Tài chính đề xuất nâng giảm trừ gia cảnh lên tối đa 15,5 triệu đồng/tháng
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo tờ trình Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân, áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026. Đề xuất được đưa ra trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giai đoạn 2020-2025 tăng 21,24%, vượt ngưỡng 20% - mức cần điều chỉnh theo quy định hiện hành tại Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án điều chỉnh. Phương án 1, tính toán theo tốc độ tăng CPI, nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng lên khoảng 13,3 triệu đồng/tháng; và người phụ thuộc từ 4,4 triệu lên 5,3 triệu đồng/tháng. Đây được xem là phương án phù hợp với luật hiện hành, phản ánh đúng mức trượt giá và bảo đảm mức sống tối thiểu.
Phương án 2, dựa trên tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và GDP bình quân đầu người, nâng giảm trừ cho người nộp thuế lên mức 15,5 triệu đồng/tháng, và người phụ thuộc lên 6,2 triệu đồng/tháng. Bộ Tài chính đánh giá phương án này giúp giảm gánh nặng thuế lớn hơn, tăng thu nhập khả dụng cho người dân, từ đó kích thích tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng thu ngân sách gián tiếp trong trung và dài hạn.

Như vậy, mức giảm trừ gia cảnh theo hai phương án sẽ tăng thêm từ 2,3 đến 4,5 triệu đồng đối với người nộp thuế, và 0,9 đến 1,8 triệu đồng với mỗi người phụ thuộc. Nếu được thông qua, mức giảm trừ mới sẽ áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026.
Hiện tại, mức giảm trừ gia cảnh áp dụng từ tháng 7/2020 là 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc. Theo quy định, khi CPI tích lũy vượt quá 20% so với thời điểm điều chỉnh gần nhất, cơ quan chức năng có trách nhiệm đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Thuế thu nhập cá nhân là một trong ba sắc thuế quan trọng đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng (VAT). Đối tượng chịu thuế chủ yếu là người làm công ăn lương và cá nhân kinh doanh. Thu nhập tính thuế được xác định sau khi trừ các khoản giảm trừ như bảo hiểm, trợ cấp, phụ cấp, và đặc biệt là giảm trừ gia cảnh.
Hiện, người lao động nộp thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc thuế, thuế suất dao động từ 5% đến 35%. Tuy nhiên, biểu thuế này cùng với mức giảm trừ gia cảnh hiện hành đang bị đánh giá là lạc hậu trong bối cảnh chi phí sinh hoạt và mức sống tăng cao. Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng giảm số bậc thuế, nới rộng khoảng cách giữa các bậc thu nhập, nhằm bảo đảm công bằng, hợp lý hơn cho người lao động, đồng thời duy trì ổn định nguồn thu ngân sách.