Hướng tới tăng trưởng hai con số: Tăng cường nội lực, giảm thiểu rủi ro từ bên ngoài

Theo các chuyên gia, để hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo, cần xây dựng môi trường chính sách vĩ mô, thể chế thuận lợi, đồng thời đổi mới mô hình tăng trưởng để tăng cường nội lực và giảm thiểu các rủi ro từ bên ngoài.

Đầu tư công dẫn dắt tăng trưởng

Trong bản kiến nghị chính sách quý II/2025, nhóm chuyên gia Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong hơn ba thập kỷ qua chủ yếu dựa vào đầu tư và hướng ra xuất khẩu, thể hiện qua sự gia tăng mạnh mẽ tỷ lệ xuất khẩu/GDP. Việt Nam đã thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài để phục vụ xuất khẩu và tận dụng lực lượng lao động dồi dào, đồng thời tích cực tham gia và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào xuất khẩu cũng tạo ra rủi ro lớn khi suy giảm kinh tế hoặc căng thẳng thương mại gia tăng xảy ra giữa các đối tác thương mại lớn. Mặc dù Việt Nam đã nỗ lực chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhưng do chất lượng nguồn nhân lực thấp, nguồn lực đầu tư hạn chế và môi trường vĩ mô chưa thực sự thuận lợi, việc bứt phá trong lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn.

Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng để tăng cường nội lực và giảm thiểu các rủi ro từ bên ngoài

Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng để tăng cường nội lực và giảm thiểu các rủi ro từ bên ngoài

Do đó, nếu không có những đột phá chính sách, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể vẫn sẽ tiếp tục phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức vừa phải và khó có sự đột phá để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Vì vậy, trong giai đoạn tới đây, các chuyên gia khuyến nghị cần làm rõ vai trò định hướng mạnh mẽ của nhà nước trong việc xác định các ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn và tạo ra các chính sách hỗ trợ cụ thể về thuế, tín dụng, và môi trường kinh doanh thuận lợi. Nhà nước chủ động dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng xuất khẩu với giá trị gia tăng cao.

Đồng thời, tăng cường đầu tư công một cách hiệu quả vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, cải thiện hệ thống giáo dục và đào tạo để nâng cao kỹ năng cho người lao động, đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế đang phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Việc học hỏi kinh nghiệm thu hút FDI, chuyển giao công nghệ và khuyến khích nghiên cứu và phát triển từ các nước này cũng là yếu tố then chốt để nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến nghị cần thận trọng trong việc chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang mô hình tăng trưởng dẫn dắt bởi đầu tư công. Trước những thách thức về thuế quan và sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ hiện nay trên thế giới, đầu tư công trở thành một điểm sáng giúp Việt Nam đạt được tăng trưởng trong thời gian tới.

Dù vậy, Việt Nam lại đang phải đối mặt với nhiều hạn chế về tài khóa và tiền tệ. Để có đủ nguồn lực tài chính cho các dự án hạ tầng lớn, yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, Việt Nam cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp quan trọng để thu hẹp đáng kể chi thường xuyên. Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, tinh giản biên chế, và kiểm soát chặt chẽ các khoản chi kém hiệu quả sẽ tiết kiệm được một lượng vốn lớn, có thể tái phân bổ cho đầu tư phát triển hạ tầng.

Chính sách thuế ưu đãi hỗ trợ tăng trưởng

Theo các chuyên gia của Đại học Kinh tế Quốc dân, trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng và nguy cơ các quốc gia như Mỹ áp đặt thuế quan cao, việc sửa đổi/cắt giảm gánh nặng thuế thu nhập cá nhân nên được thực hiện để Việt Nam kích thích tiêu dùng nội địa, qua đó bù đắp một phần sụt giảm từ hoạt động xuất khẩu.

Hiện tại, biểu thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam với các mức thuế suất lũy tiến cao và mức giảm trừ gia cảnh lạc hậu đang tạo gánh nặng lớn lên chi tiêu thiết yếu của người dân, đặc biệt là tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp. Mức giảm trừ gia cảnh chậm được điều chỉnh, không theo kịp lạm phát và chi phí sinh hoạt thực tế, cùng với các bậc thuế quá sát nhau, khiến nhiều người dân phải chịu thuế ở mức cao ngay cả khi thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống. Việc giảm sắc thuế này sẽ tăng thu nhập khả dụng cho người dân, khuyến khích họ chi tiêu nhiều hơn cho hàng hóa và dịch vụ trong nước.

Ngoài ra, để xuất khẩu cao, nhưng giá trị gia tăng thấp, không lớn trở thành một rủi ro cho nền kinh tế trước bối cảnh trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, Việt Nam nên áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp dựa trên tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp xuất khẩu. Bằng cách chủ động nguồn cung trong nước, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ giảm thiểu rủi ro bị ảnh hưởng bởi các chính sách thương mại quốc tế bất lợi, đảm bảo tính ổn định và bền vững cho hoạt động xuất khẩu.

Do đó, chính sách ưu đãi thuế thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ nội địa hóa sẽ là một công cụ hiệu quả để phát triển công nghiệp phụ trợ và tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các biến động thương mại toàn cầu.

Hạ Chi

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/huong-toi-tang-truong-hai-con-so-tang-cuong-noi-luc-giam-thieu-rui-ro-tu-ben-ngoai-167610.html