Bộ Tài chính đề xuất nâng ngưỡng cấm xuất cảnh đối với người là đại diện doanh nghiệp
Bộ Tài chính vừa đề xuất ngưỡng cấm xuất cảnh đối với cá nhân là đại diện pháp luật khi doanh nghiệp nợ quá hạn 120 ngày và từ 500 triệu đồng. Nếu được thông qua, quy định mới sẽ được áp dụng ngay từ 1/1/2025.
Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 126/2020 quy định thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, các quy định hiện nay chưa nêu ngưỡng nợ thuế cụ thể khi áp dụng biện pháp cưỡng chế này, điều có nghĩa dù chỉ nợ thuế 1 đồng cũng có thể bị tạm hoãn xuất cảnh.
Trong dự thảo mới về ngưỡng nợ thuế bị cấm xuất cảnh, Bộ Tài chính đề xuất cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế quá hạn 120 ngày với mức 50 triệu đồng trở lên, sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Mức này tăng 40 triệu đồng so với dự thảo đề xuất hồi đầu tháng.
Đối với cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, sẽ bị áp dụng biện pháp này nếu đơn vị nợ quá hạn 120 ngày và từ 500 triệu đồng trở lên. Mức này tăng gấp 5 lần so với ngưỡng đề xuất cách đây một tháng (100 triệu đồng), nhưng vẫn thấp hơn ngưỡng 1 tỷ đồng theo khuyến nghị từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Dự kiến, mức đề xuất mới có thể được áp dụng ngay từ 1/1/2025.
Ngưỡng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh được Bộ Tài chính đề xuất sau khi tham khảo quy định một số quốc gia, trong đó Đài Loan (Trung Quốc) là 2 triệu Đài tệ (1,57 tỷ đồng). Theo đó bộ này đề xuất áp dụng ngưỡng nợ với nhóm đối tượng này là 500 triệu đồng, gấp 10 lần số áp dụng cho cá nhân. Trong khi đó, Mỹ đang áp ngưỡng nợ thuế 40.000 USD trở lên đối với cá nhân để yêu cầu từ chối cấp, hoặc thu hồi hộ chiếu. Malaysia quy định mức nợ thuế để cấm cá nhân xuất cảnh ở mức 10.000 MYR (tương đương khoảng 2.000 USD).
Một số nước như Ấn Độ quy định tùy trường hợp, người nộp thuế có thể bị hoãn xuất cảnh nếu có khoản nợ lớn, hoặc bị nghi ngờ liên quan đến trốn thuế. Philippines không có ngưỡng cụ thể nhưng cũng áp dụng cấm xuất cảnh liên quan đến nợ thuế lớn.
So sánh thu nhập bình quân đầu người của Mỹ năm 2023 khoảng 80.000 USD, trong khi mức này ở Việt Nam khoảng 4.284 USD. Do đó, theo Bộ Tài chính, ngưỡng với cá nhân khoảng 2.100 USD (tương đương 50 triệu đồng) đưa ra tại dự thảo là phù hợp.
Biện pháp cấm xuất cảnh sẽ được áp dụng ngay lập tức với người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký, người xuất cảnh để định cư nước ngoài hoặc người nước ngoài trước khi xuất cảnh.
Theo yêu cầu của cơ quan thuế, các biện pháp cưỡng chế, gồm tạm hoãn xuất cảnh, được áp dụng với người có khoản nợ thuế quá hạn 90 ngày. Quyết định tạm hoãn xuất cảnh có thể tra cứu trên website của ngành thuế và các ứng dụng trực tuyến như etax, etaxmobile. Cơ quan thuế thường xuyên rà soát để kịp thời gia hạn hoặc hủy bỏ quyết định này.
Để đảm bảo việc thu hồi nợ đọng, tăng tính tuân thủ của người nộp thuế, tránh nợ đọng kéo dài, Bộ Tài chính đề xuất lựa chọn ngưỡng thời gian áp dụng mới là quá 120 ngày. Quy định này có thể triển khai ngay khi nghị định ban hành do nhóm nợ này đã được phân loại để theo dõi riêng trên ứng dụng ngành thuế.
Các biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh được cơ quan thuế, hải quan áp dụng có xu hướng tăng thời gian gần đây. Từ đầu năm, hơn 58.680 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tổng tiền nợ 80.512 tỷ đồng đã được cơ quan thuế công bố, thu hồi khoảng 4.289 tỷ đồng của gần 6.500 người nợ thuế.
Bộ Tài chính ước tính cả nước có khoảng 81.000 cá nhân thuộc trường hợp tạm hoãn xuất cảnh nếu áp dụng đề xuất mới. Với cá nhân, chủ hộ kinh doanh từ 100 triệu đồng, doanh nghiệp từ 1 tỷ đồng trở lên, có khoảng 40.000 trường hợp sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.