Bộ Tài chính hướng dẫn việc tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài

Để thống nhất thực hiện kiểm kê đối với tài sản công tại các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Tài chính vừa có Công văn số 12371/BTC-QLCS hướng dẫn về việc này.

Thống nhất cách thực hiện

Căn cứ Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 1/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, Bộ Tài chính đã có Công văn số 8131/BTC-QLCS ngày 1/8/2024 hướng dẫn thực hiện tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, để thống nhất thực hiện kiểm kê đối với tài sản công tại các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương thực hiện như sau:

Về Danh mục đơn vị kiểm kê trong Phần mềm Tổng kiểm kê tài sản công, cụ thể là việc tạo Danh mục đơn vị kiểm kê đối với cơ quan đại diện, Bộ Ngoại giao tạo thông tin kiểm kê đối với cơ quan đại diện ở nước ngoài (cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế) để các cơ quan đại diện thực hiện kiểm kê tài sản của cơ quan đại diện, trừ bộ, cơ quan trung ương chủ quản của bộ phận cán bộ biệt phái của cơ quan đại diện mà kinh phí hoạt động thường xuyên không do Bộ Ngoại giao phân bổ (bộ phận biệt phái).

Trên cơ sở Danh mục đơn vị kiểm kê, loại hình đơn vị kiểm kê, đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương rà soát, điều chỉnh Danh mục đơn vị kiểm kê gửi về Bộ Tài chính để hoàn thiện Danh mục đơn vị trên Phần mềm Tổng kiểm kê tài sản công làm cơ sở tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm kê tài sản của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ, cơ quan trung ương chủ quản của bộ phận biệt phái tạo thông tin kiểm kê đối với bộ phận biệt phái để thực hiện kiểm kê tài sản của bộ phận biệt phái đang quản lý, sử dụng. Riêng bộ phận thương vụ là đối tượng thực hiện kiểm kê đối với các tài sản đã tiếp nhận từ cơ quan đại diện.

Trên cơ sở đó, Bộ Ngoại giao (đối với tài sản của cơ quan đại diện), bộ, cơ quan trung ương chủ quản của bộ phận biệt phái (đối với tài sản của bộ phận biệt phái) tổng hợp tài sản thuộc phạm vi quản lý tại cơ quan đại diện.

Đối với cơ quan Việt Nam khác ở nước ngoài, bộ, cơ quan trung ương chủ quản tạo thông tin đơn vị kiểm kê đối với cơ quan Việt Nam khác ở nước ngoài để các cơ quan này thực hiện kiểm kê tài sản; làm cơ sở để bộ, cơ quan trung ương chủ quản tổng hợp tài sản thuộc phạm vi quản lý tại cơ quan Việt Nam khác ở nước ngoài.

Về loại hình đơn vị kiểm kê của các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài: Khi tạo thông tin của đơn vị kiểm kê theo điểm 1.1 Công văn này, thông tin về loại hình đơn vị của các đơn vị xác định là “Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài”.

Trên cơ sở Danh mục đơn vị kiểm kê, loại hình đơn vị kiểm kê, đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương rà soát, điều chỉnh Danh mục đơn vị kiểm kê gửi về Bộ Tài chính để hoàn thiện Danh mục đơn vị trên Phần mềm Tổng kiểm kê tài sản công làm cơ sở tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm kê tài sản của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Về kiểm kê đối với tài sản đang được theo dõi trên sổ kế toán là tài sản cố định với nguyên giá bằng ngoại tệ nhưng khi quy đổi nguyên giá sang đồng Việt Nam (VND, theo tỷ giá hạch toán ngoại tệ tháng 12/2024 do Kho bạc Nhà nước thông báo) mà nguyên giá của tài sản đó nhỏ hơn 10.000.000 đồng: Thực hiện kiểm kê tài sản theo nguyên giá, giá trị còn lại (GTCL) theo giá trị đã quy đổi.

Một số lưu ý khi xác định chỉ tiêu giá trị tài sản

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đưa ra một số lưu ý khi xác định chỉ tiêu về giá trị tài sản. Theo đó, việc xác định chỉ tiêu về giá trị tài sản tại các mẫu, biểu thực hiện theo Mục III Công văn số 8131/BTC-QLCS. Một số trường hợp cụ thể thực hiện như sau:

Đối với tài sản là nhà, đất do cơ quan Việt Nam ở nước ngoài đang theo dõi trên sổ kế toán mà không tách riêng được giá trị nhà, giá trị đất: Thực hiện kiểm kê đất của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài có nguyên giá và GTCL là 0 đồng, nguyên giá và GTCL của nhà theo nguyên giá và GTCL đang ghi sổ kế toán.

Về kiểm kê đối với tài sản đang được theo dõi trên sổ kế toán là tài sản cố định với nguyên giá bằng ngoại tệ nhưng khi quy đổi nguyên giá sang đồng Việt Nam (VND, theo tỷ giá hạch toán ngoại tệ tháng 12/2024 do Kho bạc Nhà nước thông báo) mà nguyên giá của tài sản đó nhỏ hơn 10.000.000 đồng: Thực hiện kiểm kê tài sản theo nguyên giá, giá trị còn lại (GTCL) theo giá trị đã quy đổi.

Đối với tài sản chưa được theo dõi trên sổ kế toán đề nghị cơ quan Việt Nam ở nước ngoài rà soát để đưa vào hạch toán theo đúng quy định. Trường hợp đến thời điểm kiểm kê (0h ngày 1/1/2025) mà tài sản chưa đưa vào hạch toán và không có căn cứ để xác định nguyên giá, GTCL của tài sản theo điểm 2 Mục III Công văn số 8131/BTC-QLCS thì xác định nguyên giá và GTCL là 1 đồng.

Bộ Tài chính cũng lưu ý, việc xác định chỉ tiêu về giá trị tài sản (nguyên giá và GTCL) nêu trên chỉ được sử dụng phục vụ thực hiện Tổng kiểm kê. Việc quản lý, sử dụng tài sản kiểm kê thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Việc xác định nguyên giá, GTCL của tài sản sau khi hoàn thành việc Tổng kiểm kê để thực hiện hạch toán được thực hiện theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại tài sản (nếu có)./.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-tai-chinh-huong-dan-viec-tong-kiem-ke-tai-san-cong-tai-cac-co-quan-viet-nam-o-nuoc-ngoai-164040.html