Bộ Tài chính làm việc với Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P
Sáng 21/5, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đã chủ trì cuộc làm việc giữa Bộ Tài chính Việt Nam với Đoàn chuyên gia phân tích của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P (Standard & Poor's Global Ratings).
Tham dự cuộc làm việc, về phía Bộ Tài chính có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ: Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại; Vụ Ngân sách nhà nước (NSNN); Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Cục Tài chính doanh nghiệp, Kho bạc Nhà nước.
Về phía S&P, có ông Kim Eng Tan - Giám đốc Cấp cao của S&P Global Ratings; ông Andrew Wood - Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của S&P Global Ratings.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chia sẻ về những điểm sáng của kinh tế - xã hội Việt Nam trong năm qua, định hướng, chính sách của Chính phủ năm 2024 và trong trung hạn.
Thứ trưởng cho biết, trong bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng được Chính phủ Việt Nam chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, nhờ đó kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ ổn định; sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, doanh nghiệp, thu hút FDI tiếp tục chuyển biến tích cực.
Tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam là 8,12%, ước năm 2023 đạt 5,05%; quy mô GDP năm 2023 ước đạt khoảng 430 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới. GDP quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, với mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2024 khoảng 6 - 6,5%.
Lạm phát đã được kiềm chế tốt nhờ các biện pháp bình ổn giá hiệu quả đối với giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, giúp Chính phủ có thêm dư địa cho chính sách tiền tệ; lạm phát cơ bản tiếp tục chuyển biến tích cực.
CPI năm 2023 ước tăng 3,25% đảm bảo dưới mức mục tiêu 4,5%. CPI năm 2024 bình quân ước khoảng 4-4,5%. Bình quân 4 tháng năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 2,81%.
Về tình hình xuất nhập khẩu, Thứ trưởng cho biết, tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,4 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/04/2024 đạt hơn 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam theo hướng: thực hiện phương châm "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả". Tập trung thực hiện đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ, đầu tư công và chính sách khác nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng xanh, bền vững, hoàn thiện khuôn khổ thể chế, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy phát triển.
Đáng chú ý, đề cập về chính sách tài khóa và nợ công, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, công tác điều hành chính sách tài khóa của Việt Nam theo hướng chủ động, linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm; quyết liệt tham mưu, đề xuất ban hành kịp thời và triển khai có hiệu quả các giải pháp tài khóa, đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác trong khuôn khổ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành và tập trung triển khai chính sách tài khóa (miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công). Đồng thời, Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thu NSNN; điều hành quản lý chi NSNN chủ động, chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai; siết chặt kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí NSNN...
Đồng thời, Bộ Tài chính huy động vốn đáp ứng nhu cầu của NSNN và cho đầu tư phát triển; kiềm chế tốc độ tăng nợ công, cải thiện cơ cấu nợ theo hướng nợ trong nước tăng, giảm tỷ trọng nợ nước ngoài; tái cơ cấu nợ trong nước; thực hiện thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn, đảm bảo nghĩa vụ nợ cam kết.
Các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ, cải thiện đáng kể cơ cấu danh mục nợ công và nợ Chính phủ. Nợ công năm 2023 ở mức 37,0% GDP; nợ Chính phủ khoảng 34,% GDP; nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 33,5% GDP.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi bày tỏ tin tưởng, S&P sẽ có thông tin đầy đủ và cơ sở xác thực để đưa ra nhìn nhận tích cực về hồ sơ tín dụng của Việt Nam.
Thay mặt đoàn công tác, ông Kim Eng Tan - Giám đốc Cấp cao của S&P đã bày tỏ cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam thời gian qua.
Ông Kim Eng Tan khẳng định, đợt làm việc với Bộ Tài chính Việt Nam là cơ hội tốt để nêu bật những thế mạnh và diễn biến tích cực của nền kinh tế Việt Nam, cũng như có chiến lược để giải trình những quan tâm của phía đoàn công tác S&P, qua đó giúp đánh giá đúng về hệ số tín nhiệm Việt Nam.
Tại cuộc làm việc, các lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ Tài chính trực tiếp trao đổi với Đoàn công tác của S&P về những nội dung, như: đánh giá tổng thể ngân sách năm 2023 so với mục tiêu; thảo luận về các nút thắt trong việc thực hiện kế hoạch chi tiêu; chiến lược và kế hoạch tài khóa trung hạn; lộ trình cải cách tài khóa; cải cách để sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước hoặc tư nhân hóa; tiến độ thực hiện chương trình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước...