Bộ Tài chính luôn hoàn thành Chương trình xây dựng pháp luật với tỷ lệ cao
Dù số lượng văn bản mà Bộ Tài chính được giao chủ trì thường rất lớn, nhiều nội dung phức tạp, nhưng những năm qua, Bộ Tài chính luôn hoàn thành Chương trình xây dựng pháp luật với tỷ lệ cao. Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật theo những định hướng và giải pháp đồng bộ đã tạo chuyển biến căn bản trong việc nâng cao chất lượng văn bản quy phạp pháp luật tài chính, đáp ứng được các tiêu chí về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch.
Ngày 7/6/2022, Bộ Tài chính có Công văn số 5241/BTC-PC gửi Bộ Tư pháp để báo cáo tình hình thực hiện Chỉ số cải thiện các quy định của pháp luật 6 tháng đầu năm 2022.
Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, công tác hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính đã tiếp cận được các thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập và góp phần hiện đại hóa quản lý tài chính, đảm bảo yêu cầu về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh quốc gia.
Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra văn bản được thực hiện lồng ghép cùng nhau và xem đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, gắn với công tác xây dựng pháp luật, qua đó góp phần nâng cao công tác pháp chế, cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật.
Theo Bộ Tài chính, đến ngày 15/5/2022, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Chính phủ ban hành 04 nghị định và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, theo thẩm quyền, Bộ Tài chính cũng đã soạn thảo và ban hành 24 thông tư do các đơn vị thuộc Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo. Đồng thời, cung cấp ý kiến pháp lý đối với 05 nghị định và 03 quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh kết quả trên, Bộ Tài chính đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã tự kiểm tra được 25 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành; triển khai kịp thời công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành, địa phương ban hành có liên quan đến lĩnh vực tài chính.
Qua kiểm tra cho thấy, các văn bản cơ bản đều được ban hành theo đúng trình tự, thủ tục; không có nội dung sai phạm. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục kiểm tra theo thẩm quyền đối với những văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành, địa phương ban hành có liên quan đến tài chính.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã tham gia theo đề nghị của Bộ Tư pháp liên quan đến lĩnh vực kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện rà soát Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; tham gia kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành...
Bên cạnh kết quả đạt được trên, Bộ Tài chính cho biết, thể chế pháp luật tài chính cũng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Nguyên nhân là do có những tác động khách quan (dịch COVID-19 những tháng đầu năm), nên có một số văn bản quy phạm pháp luật cần điều chỉnh kịp thời, linh hoạt để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp chưa bảo đảm tiến độ do đặc thù pháp luật tài chính phức tạp có liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước khác của các Bộ, ngành. Do vậy, việc trao đổi, thống nhất ý kiến với Bộ, ngành thường mất nhiều thời gian.
Để khắc phục những tồn tại, bất cập trên, Bộ Tài chính cho rằng, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải thiện chất lượng các quy định pháp luật; kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện toàn diện, thống nhất và hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.
Theo Bộ Tài chính, đến ngày 15/5/2022, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Chính phủ ban hành 04 nghị định và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, theo thẩm quyền, Bộ Tài chính cũng đã soạn thảo và ban hành 24 thông tư do các đơn vị thuộc Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo. Đồng thời, cung cấp ý kiến pháp lý đối với 5 nghị định và 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ.