Bộ Tài chính: Nâng cao vai trò quản lý, giám sát các chính sách thuế

Các cơ chế, chính sách về thuế, phí, lệ phí trong năm 2023 đã đi vào đời sống, tạo được sự đồng thuận của xã hội và góp phần ổn định thu ngân sách, đáp ứng các cam kết hội nhập, ổn định kinh tế vĩ mô.

Các chính sách thuế, phí, lệ phí trình cấp có thẩm quyền ban hành của Bộ Tài chính đã kịp thời với chất lượng, hiệu quả được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao. (Ảnh: Vietnam+)

Các chính sách thuế, phí, lệ phí trình cấp có thẩm quyền ban hành của Bộ Tài chính đã kịp thời với chất lượng, hiệu quả được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao. (Ảnh: Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết trong năm 2023, các chính sách thuế, phí, lệ phí trình cấp có thẩm quyền ban hành của Bộ Tài chính đã được ban hành kịp thời với chất lượng, hiệu quả được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao.

Năm 2023 là một năm đánh dấu bước tiến mới của Vụ Chính sách Thuế chuyển thành Cục Quản lý, Giám sát Chính sách Thuế, Phí và Lệ phí. Đơn vị đã kiện toàn bộ máy, bám sát các nhiệm vụ được giao trong việc thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cũng như trong chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển, trong năm 2023, Cục đã kịp thời đề xuất tham mưu cho Lãnh đạo Bộ các chính sách thuế, phí và lệ phí, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, Cục đã hoàn thành 51 đề án, trong đó 12 đề án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 10 đề án thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 29 đề án thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.

Đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, sau khi ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP, Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật (sửa đổi). Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan để báo cáo Chính phủ, đồng thời gửi hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sang Bộ Tư pháp để bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội.

Cục cũng lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập Doanh nghiệp (sửa đổi) và Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Thuế tài nguyên, Luật thuế Sử dụng đất nông nghiệp, Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu...

Mặt khác, trong năm 2023, Cục đã trình các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xây dựng 22 đề án liên quan đến chính sách thuế, phí và lệ phí để xử lý những vấn đề quan trọng phát sinh ngoài chương trình công tác của Chính phủ và Bộ Tài chính. Các cơ chế, chính sách do Cục chủ trì soạn thảo trình các cấp có thẩm quyền ban hành đã bảo đảm góp phần ổn định thu ngân sách Nhà nước, đáp ứng các cam kết hội nhập quốc tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, khuyến khích sản xuất kinh doanh phát triển, tạo ra sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đồng thời tạo ra tác động lan tỏa lớn đến các mặt của đời sống kinh tế-xã hội.

Năm 2024, Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát Chính sách Thuế, Phí và Lệ phí Nguyễn Quốc Hưng cho biết đơn vị sẽ tập trung đánh giá quá trình thực hiện tổng thể 10 Luật thuế, phí và lệ phí và đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Bên cạnh đó, Cục sẽ đánh giá việc thực hiện các giải pháp về thuế, phí và lệ phí đã ban hành thời gian qua để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và theo dõi sát sao diễn biến tình hình thực tế để đề xuất giải pháp phù hợp báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bo-tai-chinh-nang-cao-vai-tro-quan-ly-giam-sat-cac-chinh-sach-thue-post915658.vnp