Bộ Tài chính nêu lý do duy trì loại hình bảo hiểm bắt buộc với xe máy

Trước nhiều ý kiến bỏ loại bảo hiểm bắt buộc mua bảo hiểm xe máy, Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm cần thiết duy trì với chủ xe cơ giới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa trả lời kiến nghị của cử tri về việc xem xét bãi bỏ quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với mô tô, xe máy. Theo kiến nghị, cử tri cho rằng chỉ nên khuyến khích tham gia loại bảo hiểm bởi hiện nay việc lập thủ tục bồi thường khi xảy ra sự cố rất phức tạp.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc quy định mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với mô tô, xe máy là cần thiết và đúng quy định pháp luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn nhằm bảo vệ lợi ích và an toàn xã hội chung, phù hợp với xu thế chung trên thế giới.

Bộ Tài chính cho rằng quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với mô tô, xe máy nhằm bảo vệ lợi ích và an toàn xã hội chung

Bộ Tài chính cho rằng quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với mô tô, xe máy nhằm bảo vệ lợi ích và an toàn xã hội chung

Về cơ sở pháp lý, việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với chủ xe mô tô, xe máy được căn cứ theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ.

Trên thực tiễn, Bộ Tài chính cho biết theo số liệu thống kê, số vụ tai nạn giao thông do mô tô 2 bánh, xe gắn máy, xe máy chiếm tỉ lệ khoảng 70% trong tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ.

Hậu quả tai nạn giao thông đã gây ra thiệt hại không chỉ đối với nạn nhân (về sức khỏe, tính mạng, tài sản) mà còn đối với cả chủ xe (chi trả bồi thường, thiệt hại về gián đoạn kinh doanh, chi phí pháp lý), gây ảnh hưởng chung đến toàn xã hội.

Do đó, nhằm phát huy vai trò, ý nghĩa xã hội và tính nhân đạo của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, từ năm 1988, Chính phủ cũng đã quy định loại hình bảo hiểm này là loại hình bảo hiểm bắt buộc và lần lượt ban hành các Nghị định liên quan vấn đề này. Bộ Tài chính cho biết nhiều nước trên thế giới cũng triển khai loại hình bảo hiểm này với hình thức bắt buộc.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tế triển khai thời gian qua, nhằm cắt giảm thủ tục, tăng cường công tác tạm ứng bồi thường, giải quyết bồi thường bảo hiểm và tạo thuận lợi về thực hiện bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2021 thay thế Nghị định số 103/2008, qua đó sửa đổi, bổ sung các quy định về công tác tạm ứng bồi thường, cắt giảm hồ sơ bồi thường, đấy mạnh công tác giải quyết bồi thường.

Theo Bộ Tài chính, Nghị định 03 cũng quy định rõ trách nhiệm cung cấp hồ sơ bồi thường bảo hiểm của các bên, thời hạn thanh toán bồi thường. Theo đó, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng. Mức tạm ứng từ 10-70% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định.

Tại dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ, hoạt động đầu tư xây dựng, một điểm mới được đưa vào dự thảo là quy định yêu cầu doanh nghiệp không chi hỗ trợ cho đại lý bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới dưới mọi hình thức ngoài mức hoa hồng. Các doanh nghiệp cũng không được khuyến mại, chiết khấu thanh toán với bảo hiểm xe cơ giới bắt buộc.

Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh các doanh nghiệp thường cạnh tranh thị phần bằng cách trả hoa hồng và chi ngoài "khủng" cho đại lý vượt quá mức quy định.

Năm 2019, tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm xe máy bắt buộc chỉ 6%, nên nhiều doanh nghiệp đã chi hoa hồng cho đại lý lên tới 50-60%, vượt quá mức tối đa 20% theo quy định, để đẩy mạnh việc bán bảo hiểm. Tổng đại lý được trả mức chiết khấu cao, sau khi nhận "ấn chỉ" - tệp giấy chứng nhận bảo hiểm - đã đưa cho những người bán F1, F2 không có nghiệp vụ và không được đào tạo bài bản đi bán một cách tràn lan.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//bao-hiem/bo-tai-chinh-neu-ly-do-duy-tri-loai-hinh-bao-hiem-bat-buoc-voi-xe-may-1088163.html