Bộ Tài chính nói gì về sự 'lạc hậu' của cách tính thuế thu nhập cá nhân?

Tại dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đã đưa ra một số nội dung đáng chú ý về mức giảm trừ gia cảnh và các bậc tính thuế.

Cần thiết rà soát lại mức giảm trừ gia cảnh

Tại Tờ trình, Bộ Tài chính cho biết, mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020) với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Với mức này, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp..., thì hiện nay cũng chưa phải nộp thuế TNCN.

Theo Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố thì thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2023 (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng/người. Theo đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay (11 triệu đồng/tháng) là bằng hơn 2,21 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng), tương đương thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số giàu nhất.

“Việc thực hiện chính sách thuế TNCN có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại, đảm bảo công bằng xã hội. Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế TNCN đã được sử dụng để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Việc áp dụng thuế TNCN cần đảm bảo phù hợp với hoàn cảnh sống của người nộp thuế đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội”, Bộ Tài chính lý giải.

Nhiều ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện đã "lạc hậu".

Nhiều ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện đã "lạc hậu".

Thời gian qua có ý kiến cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh vẫn còn thấp, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không thấp khi so sánh với mặt bằng chung về mức sống, thu nhập của người dân hiện nay, có nhiều người lao động hiện đang có thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, cần quy định mức giảm trừ gia cảnh theo mức lương tối thiểu vùng, mức giảm trừ gia cảnh ở các đô thị, thành phố lớn cần phải cao hơn ở khu vực nông thôn, miền núi do chi phí đắt đỏ hơn; cũng có ý kiến cho rằng phải có chính sách thuế điều tiết cao hơn đối với cá nhân ở các đô thị, thành phố lớn để hạn chế nhập cư, di dân vào các đô thị lớn...

Về các ý kiến này, tờ trình nêu, về bản chất, quy định về giảm trừ trước khi tính thuế đảm bảo nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh..., vì thế, thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế.

Việc áp dụng các khoản giảm trừ còn hướng tới mục tiêu loại trừ các đối tượng có thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế TNCN. Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế TNCN là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, với nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Cá nhân có khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì Luật thuế TNCN đã có quy định giảm thuế cho các trường hợp này.

“Đối với nước ta, mức giảm trừ gia cảnh hiện hành được áp dụng từ năm 2020 đến nay nên cũng cần thiết phải rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với các điều kiện mới. Mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cho phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn vừa qua cũng như dự báo cho thời gian tới đây, đồng thời không làm giảm vai trò của chính sách thuế TNCN trong hệ thống thuế. Mức giảm trừ “quá cao” sẽ làm mờ vai trò của chính sách thuế TNCN trong việc thực hiện các chức năng của sắc thuế này (đảm bảo công bằng xã hội và điều tiết thu nhập) và vô hình sẽ đưa chính sách thuế TNCN trở lại “chính sách thuế đối với người có thu nhập cao” như giai đoạn trước đây. Đồng thời, có thể cân nhắc nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội của đất nước trong từng thời kỳ”, Bộ Tài chính đề xuất.

Có thể cắt giảm số bậc thuế khi tính thuế thu nhập cá nhân

Theo Bộ Tài chính, hiện Khoản 2 Điều 22 Luật thuế TNCN quy định biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc thuế: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%. Qua quá trình thực tế thực hiện, có quan điểm cho rằng biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành là chưa hợp lý, quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, số lượng phải quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều.

Tờ trình cho biết việc áp dụng thu thuế TNCN theo các mức thuế suất lũy tiến từng phần là chính sách được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Theo đó, hầu hết các nước đều áp dụng biểu thuế lũy tiến có nhiều bậc khác nhau để áp dụng thu thuế theo các mức khác nhau đối với các nhóm người nộp thuế có mức thu nhập khác nhau, qua đó, đảm bảo tính công bằng theo chiều dọc của chính sách thuế (số thuế phải trả tăng theo sự gia tăng thu nhập).

Tuy cách thức và phương thức thiết kế biểu thuế các nước cũng khác nhau, tùy thuộc vào quan điểm thiết kế chính sách thuế TNCN của mỗi nước. Xu hướng chung được một số quốc gia thực hiện gần đây là thực hiện đơn giản hóa của Biểu thuế thông qua việc giảm số bậc trong Biểu thuế.

Cụ thể, biểu thuế của Indonesia bao gồm 5 bậc thuế với các mức thuế suất 5%, 15%, 25%, 30% và 35%; của Philippines bao gồm 5 bậc thuế với các mức thuế suất 15%, 20%, 25%, 30%, 35%; một số quốc gia như Malaysia cũng đã giảm số bậc thuế từ 11 bậc (năm 2021) xuống 9 bậc (năm 2024).

Vì vậy, qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới cũng như kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc thuế của Biểu thuế hiện nay từ 7 bậc xuống mức phù hợp; cùng với đó, xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Thực hiện theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế của người nộp thuế.

Việc sửa đổi biểu thuế TNCN sẽ được nghiên cứu, xem xét một cách kỹ lưỡng và cần phù hợp với định hướng được đặt ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, đảm bảo phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội, thu nhập và mức sống của người dân và với thông lệ quốc tế, đặc biệt là với các nước có điều kiện tương đồng, vừa đảm bảo quyền lợi của người lao động, khuyến khích sự phát triển của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/bo-tai-chinh-noi-gi-ve-su-lac-hau-cua-cach-tinh-thue-thu-nhap-ca-nhan--i751384/