Bộ Tài chính rà soát, sửa nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Tháo gỡ mọi rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Bộ Tài chính. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát các chính sách, đặc biệt là nhiều chính sách thuế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Nhờ ưu đãi về thuế, doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư phát triển. Ảnh: TL

Nhờ ưu đãi về thuế, doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư phát triển. Ảnh: TL

Bắt tay vào sửa một loạt các luật thuế

Vào đầu năm ngoái, Bộ Tài chính đã khẩn trương lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan để xây dựng Đề cương báo cáo nghiên cứu, rà soát, đánh giá 9 luật thuế, trong đó có Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu…

Những nội dung mà Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan có liên quan báo cáo nghiên cứu, rà soát, đánh giá tại các luật thuế này, gồm: đánh giá tổng quan về những kết quả đạt được trong thời gian thực hiện; những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thi hành luật. Ngoài ra, thực hiện đánh giá cụ thể trên từng nhóm vấn đề như: đối tượng chịu thuế; đối tượng nộp thuế; cơ sở tính thuế; phương pháp xác định số thuế phải nộp; khai thuế, tính thuế và tổng hợp các đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung… Đối với thuế thu nhập cá nhân, đánh giá về: thu nhập được miễn thuế; thuế suất và giảm trừ gia cảnh là những nội dung cần được đánh giá lại.

Tại phiên chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2023, Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); giao Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu tối đa ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật gửi Bộ Tư pháp báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đăng ký bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ Tài chính đang tổng hợp, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan, hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật để lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật; trên cơ sở đó đăng ký vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tháo gỡ những điểm nghẽn “sớm nhất, hiệu quả nhất”

Như vậy, Bộ Tài chính đang rốt ráo cho công tác sửa một lúc nhiều luật thuế quan trọng. Trong chỉ đạo gần đây, lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc bộ quán triệt thực thi đầy đủ và hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển doanh nghiệp; bảo vệ quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, kiến tạo phát triển và kiểm soát rủi ro, lành mạnh hóa môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật; củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Quan điểm điều hành kiên định trong nhiều năm qua của Bộ Tài chính đó là tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển. Trong chỉ đạo mới đây, lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị phải coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Khơi thông các điểm nghẽn với phương châm “sớm nhất, hiệu quả nhất”, huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển...

Trong xây dựng chính sách, Bộ Tài chính sẽ chủ động lên phương án các nguồn lực cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng với các biến động trong tương lai. Định kỳ, Bộ Tài chính tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; đánh giá thực chất quá trình xử lý kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động theo dõi sát diễn biến thực tế để nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, trong đó phải kể đến các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Các giải pháp này đã phát huy hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi, phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Tình hình thu ngân sách nhà nước (NSNN) 8 tháng, cho thấy nhiều khoản thu sụt giảm, tiến độ thu thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh nguồn thu NSNN gặp nhiều khó khăn, Bộ Tài chính quyết tâm đồng hành, sát cánh, hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp, người dân an tâm, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong các cuộc họp giao ban triển khai nhiệm vụ hàng tháng, người đứng đầu ngành Tài chính luôn đặc biệt nhấn mạnh và yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải nhận thức rõ việc hỗ trợ doanh nghiệp là vô cùng cần thiết và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Còn nhớ, khi trả lời báo chí, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã khẳng định, không phải vì lo ngại ảnh hưởng tới nguồn thu NSNN mà không thực hiện các chính sách thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp là những quyết sách dài hơi, có tầm nhìn xa trông rộng, bởi vì đổi lại, nhờ ưu đãi về thuế, doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế vĩ mô tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.

Ban hành nhiều chính sách thuế, phí hỗ rợ người dân

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động theo dõi sát diễn biến thực tế để nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, trong đó phải kể đến các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Các giải pháp này đã phát huy hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi, phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát./.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-tai-chinh-ra-soat-sua-nhieu-chinh-sach-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-136097.html