Bộ Tài chính sửa đổi Luật kinh doanh bảo hiểm để khắc phục bất cập
Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, Ngành, tổ chức có liên quan để xây dựng dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) theo hướng đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp thực tiễn và khắc phục những bất cập.
Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 được Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 09/12/2000 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2010 và năm 2019) là căn cứ, cơ sở pháp lý để xây dựng khung khổ pháp lý vững chắc, minh bạch cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp; đáp ứng nhu cầu tham gia bảo hiểm ngày càng đa dạng của các tổ chức, cá nhân.
Sau hơn 20 năm, các chính sách này đã phát huy tác dụng, điều này có thể thấy ở quy mô thị trường bảo hiểm ngày càng lớn, khẳng định vị thế, vai trò trong nền kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện nay, thị trường bảo hiểm có 73 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm, tái bảo hiểm và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.
Đến cuối năm 2020, thị trường bảo hiểm đã tạo lập công ăn việc làm cho gần 1.000.000 lao động với thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, do Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được ban hành cách đây 20 năm, cùng với sự phát triển của thị trường bảo hiểm Luật Kinh doanh bảo hiểm bộc lộ một số bất cập nhất định, trong đó có những điểm đáng chú ý như:
Một số quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ Luật Dân sự (do Bộ luật dân sự không còn chương quy định về hợp đồng bảo hiểm).
Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành quy định nguyên tắc đối với phần lớn các chính sách trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nên đôi khi thiếu căn cứ hoặc có những khó khăn nhất định khi thực tế phát sinh như: thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, sự liên kết giữa các cơ quan quản lý trong triển khai các chương trình bảo hiểm của Chính phủ...
Các chính sách đối với doanh nghiệp bảo hiểm quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa theo kịp với thông lệ quốc tế như quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế, mô hình quản lý tài chính lạc hậu, chưa có yêu cầu bắt buộc về quản trị rủi ro.
Từ những tồn tại bất cập nêu trên, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, Ngành, tổ chức có liên quan để xây dựng dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) theo hướng đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp thực tiễn, các cam kết của Việt Nam và hướng đến chuẩn mực quốc tế về bảo hiểm, đảm bảo các mục tiêu về thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế- xã hội nói chung và thị trường bảo hiểm nói riêng để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước tại các Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị, Quyết định số 242/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII. Đồng thời, Luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cải cách mạnh mẽ thể chế, vừa đáp ứng yêu cầu hội nhập, vừa đi tắt, đón đầu xu thế của khu vực và thế giới, tạo nền tảng để Việt Nam có thể trở thành thị trường bảo hiểm phát triển của khu vực Châu Á.
Với mục tiêu sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ cho phép các doanh nghiệp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đổi mới mô hình tăng trưởng do chủ động lựa chọn loại hình, phương thức kinh doanh phù hợp với năng lực, đa dạng hóa các phương thức kinh doanh, tiết giảm chi phí do đơn giản hóa thủ tục hành chính và chủ động trong hoạt động kinh doanh; từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
Do đó, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa tại 07 nhóm chính sách như:
(1) Nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định về mô hình tổ chức, điều kiện thành lập, hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, được cụ thể hóa tại quy định về cấp phép thành lập và hoạt động, đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm.
(2) Nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định về mô hình quản lý tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, được cụ thể hóa tại quy định về Kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro; Tài chính, hạch toán kế toán; Công khai thông tin.
(3) Nhóm chính sách về hoàn thiện hợp đồng bảo hiểm, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, minh bạch và an toàn cho các giao dịch bảo hiểm, được cụ thể hóa tại quy định về hợp đồng bảo hiểm.
(4) Nhóm chính sách về khuyến khích sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm chuẩn mực hóa các hoạt động và giao dịch bảo hiểm trên thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hiểm, được cụ thể hóa tại quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bảo hiểm, hoạt động nghiệp vụ.
(5) Nhóm chính sách về bổ sung, hoàn thiện các quy định về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, được cụ thể hóa tại quy định về quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm.
(6) Nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định về bảo đảm an toàn, đề phòng hạn chế tổn thất, phòng ngừa gian lận bảo hiểm, nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp, được bổ sung mới toàn bộ tại quy định về Đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận bảo hiểm, giải quyết tranh chấp.
(7) Nhóm chính sách về hoàn thiện quy định về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bảo hiểm.