Bộ Tài chính xây dựng phương án giảm tiền sử dụng đất cho người dân
Khi sửa Nghị định 103/2024/NĐ-CP, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ theo phương án giảm tiền sử dụng đất khi người dân chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở trong bối cảnh giá đất tại một số địa phương cao đột biến.
Thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận đưa ra tại Hội thảo “Giá đất, thuế đất… thế nào cho hợp lý?” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 22/7.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết Thành phố vừa định giá đất cho 9 dự án, dự kiến sẽ thu ngân sách được 65.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất.
“Con số này đáng mừng vì ngân sách có thêm nguồn thu bổ sung lớn, nhưng đáng lo là có hợp lý hay không? Bởi giá đất là chi phí đầu vào của nền kinh tế. Muốn kéo giảm giá nhà có nhiều giải pháp, trong đó về phía nhà nước làm sao xác định nguồn thu từ đất đai là hợp lý”, ông Châu đặt vấn đề.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết dự thảo Nghị định 103 dự kiến trình Chính phủ theo hướng giảm tiền sử dụng đất khi người dân chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở. Ảnh: TN
Dẫn câu chuyện ông Nguyễn An (ngụ Hóc Môn, TP.HCM) vừa phản ánh về trường hợp căn nhà cấp 4 của gia đình, xây từ năm 2005 trên nền đất ông bà nội để lại với diện tích khoảng 75 m2, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2010, UBND huyện Hóc Môn (cũ) đã cấp số nhà cho căn nhà này.
Cuối năm 2024, gia đình ông An quyết định làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận. Kết quả đo vẽ xác định tổng diện tích thửa đất là 208 m2. Tuy nhiên, với đơn giá đất theo quy định hơn 11 triệu đồng/m2, khi tìm hiểu thủ tục và nghĩa vụ tài chính, gia đình choáng váng vì số tiền thuế sử dụng đất phải đóng gần 1,7 tỷ đồng, vượt ngoài khả năng tài chính của gia đình.
Đưa ra giải pháp cho tình huống trên, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm cho rằng, giá đất phải làm hài hòa tất cả, vừa không để nhà nước thất thu thuế; doanh nghiệp đảm bảo làm ăn sinh lời, biên độ lợi nhuận không giảm; cung cầu không bị ảnh hưởng và người dân có thể tiếp cận được. Đó là mục tiêu xuyên suốt. Như vậy, giá đất phải hợp lý, nên tiếp cận theo công lý, không nhất thiết theo giá thị trường.
Do vậy, Luật sư Trương Anh Tú kiến nghị cần minh bạch hóa toàn bộ quy trình và dữ liệu định giá. Cần có một cổng thông tin điện tử mở cho toàn dân, để khi người dân nhận được giấy thông báo thuế 1 - 2 tỷ đồng, vẫn có thể lên cổng này, truy cập, tra cứu để biết mức thu đó dựa trên căn cứ, cơ sở, thông lệ nào. Chỉ khi người dân được thấy tận mắt con số và công thức tính, thì bảng giá mới thực sự có tính thuyết phục và khả năng chấp hành cao.
Cũng theo ông Tú, tiền sử dụng đất chỉ nên thu chủ đất và doanh nghiệp khi nhà nước giao cho họ, còn người dân có đất rồi, không nên thu nữa và thu là không hợp lý. Với các lô đất liền kề, ông Tú kiến nghị miễn toàn bộ tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng, nơi người dân đã sinh sống và canh tác ổn định.
“Cần thiết lập cơ chế giãn, hoãn, chia kỳ nộp tiền sử dụng đất nhằm giúp người dân có thời gian cân đối tài chính, tránh tình trạng phải bán tháo tài sản hoặc mua lại chính mảnh đất của mình”, ông Tú kiến nghị.

Các chuyên gia đánh giá cần xây dựng giá đất phải làm hài hòa tất cả, vừa không để nhà nước thất thu thuế, doanh nghiệp đảm bảo làm ăn sinh lời. Ảnh: TN
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, trong quá trình sửa đổi Nghị định 103/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, Bộ Tài chính nhận được nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, các hiệp hội và các địa phương về tiền sử dụng đất và tiền chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở với nhiều vấn đề đặt ra cần tháo gỡ và đưa ra nhiều phương án đề xuất khác nhau.
Bộ Tài chính đã gặp trực tiếp, làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương và yêu cầu các địa phương báo cáo nhanh về tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở.
Trên cơ sở tổng hợp, theo chức năng, nhiệm vụ, Bộ Tài chính đã trình dự thảo sửa Nghị định 103, đồng thời có văn bản xin ý kiến Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ ban hành với các phương án khác nhau.
Đối với trường hợp tính tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, thời gian qua, Bộ Tài chính nhận được ý kiến phản ánh do giá đất trên bảng giá đất tại một số địa phương xác định theo Luật Đất đai 2024 cao đột biến so với bảng giá đất cũ.
Trong đó, giá đất ở tăng cao nhiều lần so với giá đất nông nghiệp nên khi được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, hộ gia đình, cá nhân phải đóng tiền sử dụng đất cao nhiều lần so với trước đây.
Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các địa phương báo cáo nhanh về tình hình thực hiện việc tính tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân.
Trước mắt sẽ kế thừa Luật Đất đai 2013, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ theo phương án giảm tiền sử dụng đất khi người dân chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở trong bối cảnh giá đất tại một số địa phương cao đột biến so với bảng giá đất cũ.
Đối với khoản tiền nộp thuế bổ sung, 3 nhóm đề xuất là giữ nguyên mức thu, giảm thu và không thu khoản thu bổ sung. Đây là 3 phương án đề xuất. Bộ Tài chính đã hoàn thiện và có phương án giảm mức thu cũng như giảm thời gian tính tiền sau khi trừ đi thời gian cơ quan chức năng tính tiền sử dụng đất.
Riêng đối với kiến nghị không thu tiền nộp thuế bổ sung, do đây là nội dung được quy định tại Luật Đất đai 2024, nên Bộ Tài chính sẽ ghi nhận và cùng Bộ Nông nghiệp và Môi trường báo cáo Chính phủ trong quá trình sửa Luật Đất đai 2024.