Bộ Tài chính xúc tiến đầu tư gián tiếp tại Vương Quốc Anh
Từ ngày 2-7/7/2019, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Tài chính đến làm việc tại Vương Quốc Anh và chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Hội nghị được tổ chức tại trung tâm tài chính lớn của thế giới - Thủ đô London với chủ đề 'Đầu tư vào Việt Nam'.
Hội nghị xúc tiến đầu tư với tên gọi “Đầu tư vào Việt Nam” do Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp với Bộ Thương mại Quốc tế (đại diện là Hội đồng Kinh doanh Anh – ASEAN (UKABC)) tổ chức. Mục tiêu nhằm quảng bá về thị trường vốn Việt Nam, với những kỳ vọng đầu tư và tiềm năng phát triển mạnh trong những năm tới.
Một trong những điểm nhấn của các Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này là đối thoại chính sách trực tiếp giữa nhà đầu tư nước ngoài và cơ quan quản lý tài chính của Việt Nam. “Từ chính sách đến thực tiễn” là cách tiếp cận đối thoại chính sách và đối thoại doanh nghiệp với nhà đầu tư nước ngoài của Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Anh, được tổ chức tại trái tim của Khu tài chính London.
Tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tại London với đoàn Bộ Tài chính Việt Nam là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam như Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Than - Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí, Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và một số công ty chứng khoán, quản lý quỹ tại Việt Nam như SSI, HSC, MBS, BSC....
Hội nghị cũng thu hút được sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư tại Anh Quốc, trong đó có các quỹ đầu tư lớn như Ashmore, HSBC AM, JP Morgan, Swiss Re Group, RBC Global Asset Management, Amundi Asset Management…
Trong chuyến công tác và chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng có các cuộc gặp gỡ với Bộ Ngân khố, Lãnh đạo Khu tài chính London, Hạ viện Anh... Bộ trưởng sẽ chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với Cơ quan Quản lý Thực thi tài chính Vương quốc Anh. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng sẽ có các cuộc tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với một số nhóm các nhà đầu tư tài chính quốc tế tại London.
“Việt Nam và Vương Quốc Anh đã thiết lập quan hệ ngoại giao trong 45 năm qua. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 đến nay, có thể nói quan hệ giữa hai nước đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất, các lĩnh vực hợp tác cụ thể đều đạt nhiều kết quả tích cực”, ghi nhận điều này, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương Quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho biết: Về đầu tư, Anh hiện đứng thứ 16 trong tổng số 130 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 3,75 tỷ USD đến năm 2018. Đây là cơ hội và tiền đề tốt cho việc thúc đẩy đầu tư gián tiếp giữa hai thị trường, mở ra cơ hội cho việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam và Vương Quốc Anh.
Về phía Việt Nam, Chính phủ Việt Nam ghi nhận và đánh giá rất cao sự tin tưởng và sự hiện diện của các tập đoàn tài chính, các nhà đầu tư Anh tại Việt Nam. Tuy nhiên, giá trị đầu tư trực tiếp 3,75 tỷ USD của nhà đầu tư Anh vào Việt Nam chưa phản ánh đúng tiềm năng của Anh khi Anh là một trong 5 nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới (khoảng 300 tỷ USD), đồng thời cũng là nước thu hút đầu tư từ bên ngoài lớn nhất thế giới.
Đầu tư gián tiếp của Anh vào Việt Nam hiện nay cũng còn khá khiêm tốn xấp xỉ 1 tỷ USD so với tiềm năng của nhà đầu tư Anh và so với khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam. Hiện tại, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài mang quốc tịch Anh đăng ký tài khoản lưu ký chứng khoán tại Việt Nam là 269 tài khoản (trong đó có 120 tài khoản nhà đầu tư cá nhân, 149 tài khoản nhà đầu tư tổ chức), với tổng giá trị đầu tư tương đương 21.700 tỷ đồng (tương đương 944 triệu USD). Như vậy, thị trường tài chính vẫn còn khá nhiều dư địa mới cho hợp tác giữa hai nước và còn nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư Anh.