Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận trách nhiệm việc lùi thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, nếu bây giờ cho lùi thời hạn hay cho miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thì người dân sẽ được hưởng lợi.
Trong báo cáo giải trình đại biểu Quốc hội về việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tại nghị trường Quốc hội chiều 1.11, Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường xin nhận trách nhiệm với tư cách là cơ quan chủ trì xây dựng, trình Chính phủ các Nghị định; chưa kịp thời báo cáo, đề xuất Chính phủ, trình cấp có thẩm quyền để tháo gỡ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng khẳng định việc chậm ban hành Nghị định về vấn đề trên không có chuyện “lợi ích nhóm” và “nếu bây giờ cho lùi thời hạn hay cho miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thì người dân sẽ được hưởng lợi.”
Không lường trước được khó khăn
Theo báo cáo giải trình của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, việc chậm ban hành Nghị định số 203 và Nghị định số 82 về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là do thời điểm trình dự án Luật Khoáng sản (năm 2010) và Luật Tài nguyên nước (năm 2012), hồ sơ trình thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.
Theo đó, luật này không quy định trong hồ sơ trình dự án luật phải có văn bản quy định chi tiết. Trong quá trình xây dựng các luật, việc đánh giá tác động của các chính sách nêu trên đã thực hiện nhưng chưa toàn diện, cụ thể.
Ngay sau khi các luật được ban hành, mặc dù Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương xây dựng các dự thảo Nghị định nhưng không lường trước được hết về những khó khăn, nhất là các vấn đề liên quan đến kinh tế, các thông số kỹ thuật phức tạp khi xây dựng phương pháp tính và mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thác tài nguyên nước.
Vì thế, trong quá trình xây dựng các Nghị định cần phải có nhiều thời gian để hoàn thiện phương pháp tính, mức thu tiền do tính chất phức tạp, đa dạng của các đối tượng thuộc diện tính tiền.
Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng các Nghị định, khi gặp những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa kịp thời báo cáo, đề xuất Chính phủ giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền để tháo gỡ.
Với khó khăn, vướng mắc khi thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, khi Chính phủ (nhiệm kỳ 2011-2016) có Báo cáo số 388/BC-CP ngày 10.10.2014 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII và đề nghị miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (từ ngày 1.7.2011 đến 31.12.2013) nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình xử lý.
Không có chuyện “lợi ích nhóm”
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định để ban hành được các Nghị định đã phải qua nhiều lần soạn thảo với ý kiến của hầu hết các thành viên Ban soạn thảo là đại diện của các bộ, ngành. Ngoài ra, có sự tham gia góp ý của tất cả UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, chứ không phải là ý kiến chủ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đối tượng điều chỉnh của các Nghị định này là hàng ngàn doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế. Riêng đối với tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được hạch toán vào giá thành sản xuất, chủ yếu được tính vào giá điện, giá nước. Thực chất các nhà máy điện, nhà máy nước chỉ là người thu hộ từ người dùng điện, dùng nước để nộp cho nhà nước.
“Do đó, nếu Quốc hội đồng ý cho lùi thời hạn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước về mặt bản chất thì người dùng điện, dùng nước sẽ không phải nộp thêm khoản tiền nêu trên chứ không phải các nhà máy điện, nhà máy nước được miễn. Vì vậy không có vấn đề về lợi ích nhóm,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về trách nhiệm chậm ban hành Nghị định 203, Bộ trưởng Hà cho biết tại Văn bản số 1320/VPCP-V.I ngày 25.2.2015, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cơ quan tham mưu, trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trực thuộc bộ và trách nhiệm của tổ chức cá nhân có liên quan.
Kết quả đã kiểm điểm cấp vụ, cấp tổng cục. Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (giai đoạn 2011-2015) đã kiểm điểm và nhận trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu trước lãnh đạo bộ. Các vụ, cục có liên quan của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã kiểm điểm trách nhiệm và đã có hình thức kỷ luật tương xứng.
Đến ngày 10.5.2018, Chính phủ tiếp tục có Tờ trình số 170/TTr-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đề nghị miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản giai đoạn nêu trên thì Bộ Tài nguyên và Môi trường mới có báo cáo Chính phủ để đề xuất Quốc hội xem xét việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước như đã nêu trên.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường xin nghiêm khắc nhận trách nhiệm với tư cách là cơ quan chủ trì xây dựng, trình Chính phủ các Nghị định nêu trên,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Liên quan đến số tiền dự tính (5.000 tỷ đồng) cho tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (giai đoạn từ ngày 1/7/2011 đến ngày 31.12.2013) và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (giai đoạn từ 1.1.2013 đến 31.8.2017), Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản giai đoạn 2,5 năm khoảng 2.800 tỷ đồng là con số dự tính (nếu được tính tại thời điểm đó).
Tuy nhiên, sau khi Nghị định 203 có hiệu lực thì đã được thực hiện như đã nêu trên, trong đó có trên 90% số tiền dự tính nêu trên đã được thu sau năm 2013.
Đối với tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (dự tính khoảng 2.200 tỷ đồng) được tính toán sơ bộ trên cơ sở áp dụng các quy định của Nghị định để tính ngược trở lại trước. Đây thực chất chưa phải khoản thu ngân sách đã được xác định mà chỉ là dự tính.
Phải có lộ trình
Từ góc độ cá nhân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng nếu bây giờ cho lùi thời hạn hay cho miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thì người dân sẽ được hưởng bởi vì đây là loại thuế gián thu, doanh nghiệp chỉ thu hộ Nhà nước và sẽ tính vào tiền điện, tiền nước.
“Quốc hội nói rằng phải thu, chúng tôi hứa rằng sẽ thu được. Chỉ có điều chúng ta có lộ trình để không tăng đột ngột giá nước và giá điện lên người dân,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về vấn đề khai thác tài nguyên khoáng sản, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định việc lùi thời hạn là hợp lý, bởi vì trong thực tế Luật Khoáng sản không quy định về hồi tố mà chỉ quy định từ khi luật này ban hành thì sau khi có đánh giá trữ lượng thường mất khoảng 3 đến 5 năm. Vì thế, bây giờ có lùi thời hạn thu thì sẽ dựa trên tổng trữ lượng và được phân kỳ ra thu.
“Như vậy, việc lùi ở đây không ảnh hưởng gì đến việc chúng ta lùi một, hai năm mà vẫn thu trên tổng số lượng đó. Tức là thu trước 2 năm và thu bây giờ thì vẫn dựa trên toàn bộ trữ lượng đánh giá. Chúng tôi sẽ có báo cáo Quốc hội từng dự án một để đánh giá xem có tổn thất, thất thoát không,” ông khẳng định.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà dẫn ví dụ công suất một mỏ là 500 tấn thì 2 năm là 1.000 tấn thì khó nhưng con số đó chỉ chiếm khoảng 0,4% và có thể tính toán được. Như vậy nói khoảng 90% bảo đảm rằng nếu lùi thời hạn khi Nghị định có hiệu lực là không thất thoát, không có lợi ích nhóm.