Bò tăng giá, người nuôi phấn khởi

Bò tăng giá nên người nuôi có lãi. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Những tháng giáp Tết, nhu cầu tiêu thụ thịt bò để chế biến thực phẩm tăng, đẩy giá bò lên cao, người nuôi bò phấn khởi nhờ có thu nhập khá.

Giá tăng liên tục

Hơn một tháng qua, ngày nào bà Nguyễn Thị Kỷ ở xã An Phú (TP Tuy Hòa) cũng tiếp mấy thương lái đến gạ mua bò. Bà Kỷ cho biết: Tôi nuôi được 4 con bò thịt đều là giống bò lai 3B. Hiện nay, đàn bò đã được 18 tháng, to khỏe, ước trọng lượng gần 800kg/con; thương lái đến hỏi mua với giá 50 triệu đồng/con. Một tháng qua, bò thịt hút hàng, giá tăng liên tục nên tôi chưa bán vội, đợi nuôi thúc thêm 1 tháng nữa cho bò tăng trọng thì giá bán cũng sẽ cao hơn.

Còn theo ông Nguyễn Hải Vân cũng ở địa phương này, sau 1 năm nuôi, ông vừa bán 3 con bò thịt được 150 triệu đồng. Đây là lần đầu tiên, gia đình ông bán bò được giá cao như vậy. Số bò này ông thả nuôi từ trước Tết năm ngoái, thời điểm đó mua 3 con bò 6 tháng tuổi với giá từ 18-20 triệu đồng/con. Giống bò lai 3B thể trạng cao lớn, ăn khỏe, tăng trọng rất nhanh, lại được chăm sóc kỹ nên bò tăng trọng từ 1-2kg/ngày (tùy vào lứa tuổi). Tính ra, sau 1 năm nuôi, gia đình ông lãi được hơn 20 triệu đồng/con.

Không riêng xã An Phú, hiện thương lái mua bò cũng đổ về các vùng trọng điểm của tỉnh như Tuy An, Phú Hòa, Đồng Xuân… để tìm mua. Bà Lê Thị Thu ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An) cho biết: Bò đang có giá cao nên tôi vừa bán được 2 con bò thịt với giá 97 triệu đồng, trừ các khoản chi phí lãi gần 50 triệu đồng.

Theo ông Bốn Dữ ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), một thương lái chuyên mua gom bò cung cấp cho bạn hàng ở Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, khoảng 1 tháng qua, nhu cầu tiêu thụ thịt bò của các mối quen tăng mạnh nên ông tăng cường lùng mua bò, nhưng nguồn cung có hạn nên giá bò liên tục tăng. Trước đây, giá thịt bò chỉ 70.000-75.000 đồng/kg hơi, nay 80.000-87.000 đồng/kg hơi (tùy giống) mà vẫn không có bò bán. Trong khi đó, người nuôi thấy bò tăng giá nên có tâm lý giữ bò chờ tăng giá thêm, khiến việc thu mua càng khó khăn.

Kiểm soát dịch bệnh, con giống

Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, tổng đàn bò toàn tỉnh khoảng 180.000 con, với 74% là bò lai. Hiện giá bò tăng cao nên nhu cầu mua bán vận chuyển cũng tăng mạnh. Trong khi đó, thời tiết thường xuyên có mưa, lạnh, là điều kiện thuận lợi để các loại virus gây bệnh bùng phát tấn công. Để bảo toàn đàn vật nuôi, hạn chế rủi ro, người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời, chi cục đang triển khai tiêm phòng vắc xin đợt II/2020, tăng cường kiểm soát vận chuyển, mua bán động vật.

Bà Nguyễn Thị Kỷ cho hay: Để đảm bảo an toàn cho đàn bò, vừa rồi gia đình tôi đã tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng toàn bộ đàn bò. Hàng ngày chuồng nuôi đều được dội rửa sạch sẽ; tăng cường bổ sung muối khoáng, cỏ xanh và cháo cám gạo để giúp bò tăng trọng nhanh, nâng cao sức đề kháng với dịch bệnh.

Trong khi đó, sau khi xuất bán hết đàn bò thịt, gia đình ông Lê Văn Tỵ ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) vệ sinh chuồng, phơi vôi cho chuồng nghỉ 1 tháng rồi mới thả con giống. Theo ông Tỵ, hiện ông đã đặt cọc 20 triệu đồng để mua 2 con bê giống với giá 45 triệu đồng ở một hộ quen. Chờ xử lý chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo sẽ đưa về nuôi.

Người chăn nuôi phải quan tâm đến vệ sinh môi trường, chuồng trại định kỳ 2 lần/tuần, phun thuốc tiêu độc sát trùng môi trường; chất thải chăn nuôi phải được thu gom và xử lý. Bà con cũng cần chú ý đến chất lượng con giống, khi cho nhập đàn mới phải nuôi nhốt cách ly và theo dõi trong vòng 15 ngày để đảm bảo không bị lây nhiễm dịch bệnh từ ngoài vào; khi phát hiện vật nuôi có dấu hiệu bệnh hoặc chết thì báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất để được xử lý kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/250460/bo-tang-gia-nguoi-nuoi-phan-khoi.html