Bỏ thu phí BOT trạm T2 quốc lộ 91: Quả ngọt của sự đồng thuận, đồng cảm
Bộ GTVT và chủ đầu tư Trạm thu phí BOT quốc lộ 91 đã thống nhất tiếp tục không thu phí trạm BOT T2. Đây chính là kết quả từ cuộc họp ngày 30/10 giữa lãnh đạo Bộ GTVT và đại diện UBND TP. Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, và các Bộ, ngành liên quan, khiến tất cả đều 'hợp lòng'.
1. Theo đó, sau khi nghe ý kiến của nhà đầu tư và các đơn vị, địa phương liên quan, Thứ trưởng Nguyễn Nhật kết luận: Hiện Bộ GTVT đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương và cơ quan liên quan đẩy mạnh hoàn thiện thủ tục pháp lý, triển khai dự án tuyến tránh Long Xuyên dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Sau khi tuyến tránh này đưa vào sử dụng thì các xe qua khu vực sẽ có sự lựa chọn, không phải qua trạm BOT T2.
Song, phương án này sẽ không lường trước được rủi ro vì phải phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành dự án tuyến tránh Long Xuyên, do tới nay vẫn chưa khởi công, chưa hoàn thành thủ tục đầu tư; thời gian hoàn vốn của dự án sẽ bị kéo dài trên 30 năm, kế hoạch trả nợ tín dụng bị phá vỡ, ngân hàng không đồng thuận. Do vậy phương án này không khả thi.
Bộ GTVT thống nhất nghiên cứu phương án không thu tiền dịch vụ sử dụng tại trạm BOT T2 quốc lộ 91.
Chính vì vậy, để xử lý dứt điểm bất cập, tại cuộc họp các cơ quan, đơn vị đã phân tích ưu, nhược điểm 5 phương án đề xuất xử lý bất cập tại trạm BOT T2 của Tổng cục Đường bộ, nhà đầu tư. Từ đó, thống nhất phương án tối ưu là nghiên cứu “không thu tiền dịch vụ sử dụng tại trạm BOT T2 và vốn ngân sách hỗ trợ cho phần đầu tư quốc lộ 91B (từ nguồn ngân sách TP. Cần Thơ hoặc Trung ương). Đồng thời, do quốc lộ 91B thuộc nội đô của TP. Cần Thơ nên đề nghị địa phương tiếp nhận để quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì…”.
Bộ GTVT cũng đề nghị, để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý trạm thu phí BOT T2, BQLDA Thăng Long, nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành công tác quyết toán toàn bộ dự án trong tháng 11/2019.
2. Có thể thấy thông báo trên là tin vui đối với các địa phương, nhà đầu tư, người dân và cả Bộ GTVT. Bởi trước đó, việc trạm BOT T2 quốc lộ 91 do Bộ GTVT phê duyệt đặt “nhầm chỗ” đã đặt chính quyền địa phương và cả người dân vào thế kẹt, nhà đầu tư bị bể vỡ phương án tài chính, dù trước đó, dự án này rất được kỳ vọng.
Theo đó, vào tháng 3/2014, Bộ GTVT phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp QL91 (TP.Cần Thơ) đoạn Km 14+000 - Km 05+889 theo hình thức BOT. Người dân mừng khôn xiết, bởi QL91 khi đó bị băm nát, nhiều “điểm đen” về tai nạn giao thông. Có đường mới, dân phấn khởi, chấp nhận trả phí. Và việc trạm BOT T1 đặt ở phường Phước Thới, quận Ô Môn chẳng có gì để phàn nàn.
Nhưng cũng thời điểm trên, quốc lộ 91B nối Cần Thơ với An Giang sau khi được thi công (năm 2009) và thông xe năm 2010 thì tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng. Kết luận được ngành chức năng khi đó đưa ra là: Đường hỏng là do… xe đi quá nhiều, vượt tần suất thiết kế (?!).
Tới 2014, khi Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 theo hình thức BOT (nhà đầu tư là liên danh Sonadezi - Cường Thuận IDICO) đã chỉ đạo Ban quản lý dự án 1 rà soát, cập nhật dự án quốc lộ 91B, từ hình thức đầu tư ban đầu nguồn trái phiếu Chính phủ, chuyển sang đầu tư theo hình thức BOT. Sau đó, thì ghép dự án này vào dự án Quốc lộ 91.
Cuối năm 2016, khi dự án hoàn tất, Bộ GTVT quyết định lập trạm thu phí T2 đặt tại Km 50+050 (khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt), nằm cách Quốc lộ 91B khoảng 40km để thu phí hoàn vốn dự án khiến dư luận phản ứng.
Thủ tướng Chính phủ sau đó đã chỉ đạo, giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tìm ra đề án đặt trạm T2 phù hợp nhất, trước khi khánh thành cầu Vàm Cống, nhưng không có phương án phù hợp nào được đưa ra ngay cả khi cầu Vàm Cống thông xe.
3. Bất cập tại trạm thu phí BOT T2 thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL91 theo hình thức hợp đồng BOT thời gian qua đã tạo nhiều bức xúc trong dư luận. Sau nhiều lần họp bàn, việc tìm ra một phương án xử lý bất cập, đã và đang nhận được sự đồng thuận từ phía người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương.
Đồng thuận về phương án xử lý bất cập bấy lâu nay của trạm BOT T2, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang cho biết.
“Trong thông báo này, vậy là đường tránh Long Xuyên có vấn đề về vốn, là không có tiền làm rồi. Đương nhiên Bộ GTVT xử lý như vậy thì bộ đã theo nguyện vọng của dân rồi; trước mắt giải quyết như vậy là hợp với lòng dân, hợp với tình trạng là phương tiện vận tải đi qua đó không phải đóng phí, điều này quá tốt rất hợp lòng người dân An Giang”.
Và theo dõi những phản ánh của người dân, doanh nghiệp trên báo chí, mạng xã hội những ngày qua, việc dừng thu phí BOT T2 quốc lộ 91 còn hợp lòng không chỉ người An Giang, mà còn người Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp,… và trên cả nước.
Gọi đó là gì nếu không phải là quả ngọt của sự đồng thuận, đồng cảm?