Bộ TN&MT: Sẽ thiết chế một mạng lưới xương sống về quan trắc môi trường không khí
Đó là phát biểu của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức khi trả lời các câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí liên quan đến lĩnh vực môi trường, đặc biệt Bộ sẽ có những giải pháp gì tháo gỡ vấn đề ô nhiễm không khí như hiện nay.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ TN&MT diễn ra sáng 14/10, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, vấn đề kiểm soát chất lượng ô nhiễm không khí và các giải pháp để tháo gỡ vấn đề này đã được quan tâm từ rất sớm. Ngay trong Luật bảo vệ môi trường từ 2005 đã xây dựng và có những điều về bảo vệ môi trường không khí.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát chất lượng không khí, với rất nhiều các giải pháp tổng thể, trong đó có giao cho tất cả các bộ, ngành địa phương xây dựng chương trình kiểm soát. Bộ TN&MT được giao để điều phối chương trình này, hơn 2 năm qua cũng có những đánh giá báo cáo và cuối năm nay sẽ có báo cáo đánh giá tổng thể về kế hoạch kiểm soát chất lượng môi trường không khí.
Về mặt kết nối thông tin, hiện nay các TP lớn cũng đã tập trung xây dựng mạng lưới quan trắc tại địa phương để kiểm soát, thu thập thông tin về chất lượng môi trường và không khí nói chung, trong đó có bụi PM 2.5. TP Hà Nội hiện nay có 10 trạm quan trắc, Tổng cục môi trường có 2 trạm cố định kết hợp với một số trạm ở các đại sứ quán khác.
"Tới đây, Bộ TN&MT sẽ thiết chế một mạng lưới xương sống về quan trắc môi trường không khí, tức là ở một số TP lớn sẽ đặt một số chạm quan trắc không khí và xung quanh đó sẽ có một số trạm kết nối cùng với các Sở TN&MT” - ông Thức cho hay.
Trong thời gian tới, riêng Hà Nội sẽ lắp đặt thêm 20 trạm quan trắc và các TP lớn khác cũng vậy. Có thể thấy, mạng lưới đô thị lớn sắp tới sẽ đủ dữ liệu để quan trắc đưa ra cảnh báo kịp thời cho người dân.
Việc kiểm soát ô nhiễm tại nguồn, Thủ tướng đã giao cho các bộ, ngành vào cuộc quyết liệt. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra các khu công trình, dự án xây dựng, phát thải ra môi trường. Đồng thời, có phương án tái chế chứ không đốt bỏ đối với vấn đề đốt rơm rạ ở các huyện ngoại thành và cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác.
Đặc biệt, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục hoàn thiện về pháp luật và đã được Chính phủ giao và hoàn thiện trong thời gian sớm nhất. Trong đó, có sửa đổi lại và đưa những điều khoản chi tiết hơn trong việc kiểm soát môi trường nói chung, trong đó có chất lượng về môi trường không khí.
Trước đó, ngày 7/10 vừa qua, Bộ TN&MT đã có báo cáo chính thức với Thủ tướng Chính phủ về tình hình ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, cũng như có ý kiến kiến nghị Thủ tướng về giải pháp.
Nói về nguyên nhân sơ bộ ban đầu, tại sao trong tháng 9 năm nay chất lượng không khí nói chung và bụi mịn PM 2.5 lại tăng cao so với cùng kì của năm trước. Bộ TNMT đã có rà soát thống kê lại toàn bộ dữ liệu từ năm 2013 cho đến nay, trong 6 năm qua thì tháng 9 là tháng có lượng mưa ít nhất, có ảnh hưởng về thời tiết.
Liên quan đến các nguồn khác, ngoại thành Hà Nôi về việc đốt rơm rạ gây khói cũng gây nên ô nhiễm không khí. Đây là những nguyên nhân sơ bộ do ảnh hưởng của thời tiết giao mùa, khí hậu tác động trực tiếp. Còn có những nguyên nhân khác, như do nguồn phát thải từ phương tiện giao thông, hay hoạt động xây dựng trong nội đô.