Bộ tộc cổ bị mai một, cuộc sống lênh đênh
Tanka là một bộ tộc cổ ở miền Nam Trung Quốc, sống bên lề xã hội nước này, nhưng cuộc sống trên thuyền và làng bè của họ bị đe dọa, khi tỉnh Quảng Đông trở thành một vùng sản xuất lớn và phát triển đời sống đô thị, các thành phố lấn át những làng mạc từng một thời yên tĩnh, và cách sống của người Tanka đang bị mai một dần….
Theo báo New York Times, không thể rõ nguồn cội của bộ tộc cổ Tanka. Một trong những giả thiết cho thấy họ có tổ tiên là dân Đông Nam Á di cư. Không như đa số dân Trung Quốc và ngay cả ở tỉnh Quảng Đông nói tiếng Quảng Đông, một số ít người Tanka nói tiếng Phổ thông. Cho đến những năm 1950, còn có nhiều người Tanka sống ở các vùng duyên hải Nam Trung Quốc, và khoảng 100.000 người sống quanh Quảng Châu. Ngoài nghề cá, họ còn chuyên chở hàng hóa và người trên những vùng nước quanh thành phố này.
Vẫn theo New York Times, từng có đề xuất xếp bộ tộc cổ Tanka là một trong những cộng đồng thiểu số chính thức, cùng với người Tây Tạng và các cộng đồng khác. Nhưng rồi họ được xếp thành một giai cấp nghèo hơn đa số người Hán, và chính quyền quyết định kết thúc cuộc sống lênh đênh sông nước của họ, đưa họ lên bờ định cư, đưa trẻ em đến trường học. Tuy nhiên, có một nhóm người Tanka vẫn sống bám vào làng bè và thuyền đánh cá, chỉ còn vài ngàn người chọn cuộc sống sông nước.
Từ 6 thế hệ qua, gia đình Chan Kuai-hung vẫn sống và làm việc trên những con sông ở miền Nam Trung Quốc. Nơi ở và kiếm sống của gia đình Chan là các chiếc thuyền đánh cá bằng gỗ. Nhưng Chang nói thế hệ của ông là thế hệ cuối cùng sống trên nhà bè này. Người đàn ông 55 tuổi có đôi tay chai sần vì chèo thuyền và kéo lưới cá này nói: “Họ không đánh cá nữa. Không còn ai trong dòng họ tiếp nối truyền thống này”.
Giáo sư Wu Shuitan ở Đại học Quảng Châu chuyên nghiên cứu về bộ tộc cổ Tanka, nói: “Nhiều người Tanka lên bờ định cư, không dạy cho con cái biết về nhân thân của cộng đồng. Đời sống trên sông của người Tanka đang mất dần, và kéo theo sự mất đi nền văn hóa”.
Bà Xie Diying, một cựu cán bộ văn hóa ở Quảng Châu (thủ phủ tỉnh Quảng Đông) đã có nhiều năm nghiên cứu dân ca Tanka và cổ súy bảo tồn cuộc sống sông nước, nói: “Người trên bờ khinh thường người sống trên làng bè, khiến cộng đồng Tanka rất buồn. Nhiều người trẻ không biết cha mẹ họ là dân làng bè”.
Nhưng người Tanka hiếm khi tiếc nuối lối sống cũ. Cuộc đời lênh đênh của họ không có chỗ cho sự hoài niệm, thậm chí họ không nhớ được những khúc dân ca. Nhiều người nói đánh cá và sống trên thuyền chỉ là một cách sống, không phải là sự bảo tồn văn hóa. Ông Chan nói: “Chúng tôi không có cách nào khác ngoài việc bám vào lối sống cũ, vì đấy là nghề duy nhất của chúng tôi. Tôi không muốn gìn giữ truyền thống nếu như thế hệ trẻ không muốn giữ”.
Chang cùng hàng chục người đàn ông, đàn bà sống trên sông Bei ở thị trấn Datang, tỉnh Quảng Đông. Cộng đồng này sử dụng 200 chiếc thuyền để đánh cá, và trên bờ sông, các gia đình lo phân loại, cá, sò, sau khi dự một tiệc cưới. Nhưng như bao người trẻ của thị trấn, đôi tân hôn không tính nối tiếp cuộc sống trên sông nước của tổ tiên.
Một người phụ nữ chỉ cho biết họ Lam, nói: “Nét văn hóa của chúng tôi đang dần mai một, vì thanh niên thanh nữ dưới 30 tuổi đều lên thành phố kiếm việc làm, trong khi chúng tôi ở đây lao động chân tay, cuộc sống tùy theo con nước và thời tiết”.
Cánh tài xế tăng tốc trên một chiếc cầu cao tốc bắc ngang sông Bei ở Datang có thể nhìn thấy những chiếc thuyền đánh cá và nhà bè của những hộ gia đình. Dưới sông, các hộ gia đình ngủ, nấu ăn và xem tivi trên nhà bè. Một số căn đủ lớn cho một gia đình 4 người. Chủ nhà bè thường là người già bận chăm sóc trẻ con để cha mẹ chúng đi làm xa, ở các xí nghiệp hoặc cửa hàng. Bà Leung Kwai-mui, 56 tuổi, cho biết cuộc sống rất cực vì nay không còn nhiều cá, lũ trẻ không được học hành và cộng đồng chỉ biết mỗi nghề cá.
Đối diện thị trấn Datang là một nhà máy ximăng nhả khói vào không khí. Những chung cư mọc lên dọc sông bị ô nhiễm nặng và những chiếc thuyền đánh cá ráo riết. Trên bờ, người Tanka sống trong các túp lều, nuôi gà, vịt, mỗi hộ có 1 hoặc 2 con chó. Họ tất bật chuẩn bị cho mùa đánh cá mới, sửa thuyền gắn động cơ để di chuyển trên các con sông hoặc ra biển, nhưng những chiếc thuyền của họ trông như di tích của thế kỷ trước.
Một ngư dân tên Lam cho biết cá tươi bán được giá cao, nhưng ông không hề muốn truyền nghề cho 2 người con trai. Chan Kin-chor, một thợ điện 25 tuổi, ghé nhà cha vợ để giúp sửa thuyền, nói: “Cha tôi nói nghề cá không có tương lai. Ở đây không có nhiều người sinh sau năm 1990”.