Những người Dukha (còn gọi là Tsaatans) sống trong các khu rừng sâu và rất xa xôi của Mông Cổ đã hàng nghìn năm nay. Lối sống của họ không bị thay đổi nhiều theo thời gian.
Pascal Mannaerts là một nhiếp ảnh gia Bỉ. Công việc đã đưa ông tới nhiều nơi trên thế giới trong 10 năm qua. Pascal từng tìm hiểu những người Qasqhai ở Iran, bộ tộc Hamer tại Ethiopia hay thị trấn cổ Kurkish thuộc Trung Đông.
Chuyến đi mới nhất đưa Pascal đến với những người du mục ở Mông Cổ. Họ sống bằng nghề nuôi tuần lộc ở phia bắc khovsgol Aimag, nơi mà nền văn hóa đang dần lụi tàn.
Lối sống du mục cùng những đàn tuần lộc đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của họ. Những năm gần đây, tộc người Dukha đã có những thay đổi trong lối sống nhằm góp phần bảo vệ thiên nhiên bên cạnh việc bảo tồn những bản sắc văn hóa đặc trưng của tổ tiên.
Cuộc sống du mục luôn di chuyển và thời tiết lạnh giá khiến tộc người Dukha khó có thể trồng trọt hay kiếm được nguồn thực phẩm nào khác nên hầu như mọi thứ đều trông chờ vào đàn tuần lộc.
Cứ vài tuần, những người dân du mục di chuyển từ đồng cỏ này sang đồng cỏ khác, khoảng 5-10 lần mỗi năm.
Họ sống dựa vào đàn tuần lộc, từ bơ, sữa tới vận chuyển. Ngoài ra, họ cũng tự làm các dụng cụ và vải vóc để may trang phục.
Bên cạnh đó, họ còn kiếm thêm thu nhập nhờ việc săn bắt các loài động vật hoang dã như nai sừng tấm, hươu đỏ và hươu xạ trong rừng, để lấy da và thịt đem bán.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc săn bắt của người Dukha đã có sự giới hạn khi giới chức địa phương ban hành lệnh cấm săn bắt các loại thú rừng để bảo vệ thiên nhiên.
Người Dukha không ăn thịt vật nuôi của mình, trừ khi đó là những con vật không có khả năng đi lại. Việc hiếm khi ăn thịt vật nuôi xuất phát từ mối quan hệ sống giữa những người Dukha và đàn gia súc của họ rất khăng khít, đề cao tinh thần.
Việc tiếp cận người Dukha không dễ dàng đối với Pascal. Ông mô tả nơi tộc người này đang sống như ở "tận cùng của thế giới".
Để đền bù cho lệnh cấm săn bắt cũng như hỗ trợ cuộc sống của những người chăn nuôi tuần lộc, chính quyền địa phương trợ cấp cho họ một khoản tiền hàng tháng. Nhiều gia đình đã chuyển đến sống định cư tại một số ngôi làng có trường học, bệnh viện và cho con cái đi học.
Dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi so với trước, nhưng người Dukha vẫn không quên duy trì những bản sắc văn hóa đặc trưng của họ và lưu truyền cho các thế hệ tiếp theo.
Người Dukha là một trong những bộ tộc cuối cùng sống theo cách này, được xem như một nền văn hóa đang dần dần "chết". Trước kia, nơi đây từng có hàng trăm gia đình sống nhưng ngày nay chỉ còn khoảng 40 hộ.
Thùy Dung