Bố tôi tự tay chăm sóc trong những ngày mẹ đau ốm

Nhìn bố mẹ, tôi dần hiểu ra từ 'bạn đời' có ý nghĩa như thế nào.

Nhìn bố mẹ, tôi dần hiểu ra từ "bạn đời" có ý nghĩa như thế nào.

 Minh họa: Anny Nhi.

Minh họa: Anny Nhi.

Năm bố mẹ tôi gặp nhau, cả hai chỉ mới khoảng 19-20 tuổi. Tính đến nay, bố mẹ đã chung sống được ngót nghét 40 năm. Tôi chưa từng thử hình dung con số ấy đặc biệt ra sao, mãi cho đến khi mẹ tôi - một người luôn khỏe mạnh - bỗng lâm bệnh và phải vào bệnh viện một tuần lễ.

Trong suốt thời gian mẹ nằm viện để theo dõi, bố không cho bất cứ đứa con nào thay mình chăm sóc bà. Bố ở cùng mẹ, chạy đi mua từng chai nước, gói thuốc hàng ngày. Khi đó, nhiệm vụ của anh chị hai với tôi chỉ là hỗ trợ bên ngoài, giúp bố chở mấy lốc sữa hoặc đem đồ dùng cá nhân từ nhà lên.

Rồi bác sĩ cho mẹ về nhà nghỉ ngơi khi tình hình khá hơn. Bố vẫn vậy, vẫn giành làm hết mọi việc liên quan đến vợ mà không nhường ai.

Mỗi ngày đến bữa cơm, chị hai tôi sẽ chuẩn bị một mâm riêng cho mẹ nhưng người đem nó lên phòng bao giờ cũng là bố.

"Mẹ nhạt miệng nên không ăn đâu, mấy đứa đừng nấu nhiều. Để bố mua bánh mẹ thích thì may ra".

"Mẹ thích mùi nến nào con có nhớ không?"

"Con lo làm việc đi. Sáng nay mẹ ổn".

"Mẹ khó ngủ. Anh em qua lại cửa phòng nhỏ tiếng thôi nhé!"

Bố cập nhật, căn dặn chúng tôi thường xuyên đến mức bản thân tôi thuộc làu làu lời bố nói. Thỉnh thoảng, tôi thấy ông có phần vừa lẩm cẩm, vừa đáng yêu.

Bố tôi vốn rất nghiêm khắc và không mấy lãng mạn. Chưa bao giờ tôi chứng kiến bố tặng hoa, tặng quà cho mẹ vào các dịp lễ hay sinh nhật. Tuy nhiên trong khoảnh khắc ông cầm miếng giẻ lau sàn, miệng nói đùa: "Bả thích sạch sẽ, ngủ dậy thấy phòng dơ sẽ khó chịu", tôi chợt nhận ra tình yêu giữa hai người không thể đo đếm bằng những món quà.

Có lẽ ý nghĩa của "bạn đời" chính là như thế - đồng hành, cảm thông và lo lắng cho nhau trọn cả cuộc đời.

(Thanh Thy, quận 7, TP.HCM)

Thiên Hân

Minh họa: Anny Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bo-toi-tu-tay-cham-soc-trong-nhung-ngay-me-dau-om-post1301189.html