Bộ Tổng tham mưu trong giai đoạn chuẩn bị cho tổng tiến công 1968
Vai trò chỉ đạo trong giai đoạn chuẩn bị của Bộ Tổng Tham mưu có ý nghĩa to lớn góp phần vào thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Quán triệt Nghị quyết của Quân ủy Trung ương, ngày 20-6-1967 về lãnh đạo thực hiện "Quyết tâm chiến lược trước mắt" của Thường vụ Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu đã chủ động chỉ đạo các chiến trường miền Nam xây dựng kế hoạch chiến lược Đông - Xuân - Hè 1967 - 1968. Đồng thời, cử một số đoàn cán bộ đến các chiến trường nắm tình hình, tranh thủ ý kiến của lãnh đạo, chỉ huy của các đơn vị để hoàn thiện Dự thảo "Quyết tâm chiến lược trước mắt" của Thường vụ Trung ương; qua đó đề xuất một số đồng chí cán bộ chủ chốt thuộc Bộ Chỉ huy Miền, Quân khu 5, Quân giải phóng miền Nam, mặt trận Tây Nguyên tham gia xây dựng kế hoạch chiến lược.
Trong quá trình xây dựng kế hoạch Đông - Xuân 1967-1968, Bộ Tổng Tham mưu nhận thấy, nếu ta tiếp tục mở các đợt hoạt động quân sự như trước sẽ không tận dụng được thời cơ, không tạo được bước ngoặt lớn, chiến tranh vẫn tiếp tục diễn ra theo hướng giằng co kéo dài. Hơn nữa, trước đối tượng tác chiến là quân Mỹ có hỏa lực mạnh, sức cơ động cao, ứng cứu giải tỏa nhanh, chiếm ưu thế trên không, trên biển, thì việc sử dụng phương án bao vây để tiêu diệt chúng như đã làm đối với quân Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954 hiệu quả sẽ không cao.
Để giải quyết vấn đề này, trên cơ sở nắm chắc ý định của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương về chuyển hướng tiến công từ rừng núi, nông thôn đánh thẳng vào sào huyệt, đầu não của địch ở các thành phố, thị xã để tạo sự bất ngờ, đột biến lớn về chiến lược, Bộ Tổng Tham mưu đã thành lập "Tổ kế hoạch", do đồng chí Cục trưởng Cục Tác chiến phụ trách, xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược đúng phương châm, sát địa bàn hoạt động. Trong quá trình xây dựng, Bộ Tổng Tham mưu thường xuyên bám sát các chiến trường, trao đổi với cán bộ, chỉ huy về khả năng, hành động của bộ đội khi đánh chiếm thành phố, thị xã, hay khả năng nổi dậy của quần chúng, khả năng binh biến của địch khi bị ta tiến công để xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sát yêu cầu, nhiệm vụ.
Tháng 7-1967, Bộ Tổng Tham mưu báo cáo Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương về chủ trương và kế hoạch đưa cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam lên bước phát triển mới. Kế hoạch xác định: tập trung nỗ lực cao nhất thực hiện cho bằng được khả năng có thể giành thắng lợi bằng phương pháp tổng công kích - tổng khởi nghĩa. Dự kiến thời gian thực hiện trong Đông - Xuân 1967-1968 hoặc có thể sớm hơn; đồng thời dự kiến kế hoạch năm 1968-1969 và chuẩn bị tư tưởng đánh lâu dài.
Theo đó, Bộ Tổng Tham mưu dự kiến kế hoạch sẽ mở đợt hoạt động mùa đông, cao điểm là các tháng 2, tháng 3-1968 và đợt hoạt động mùa hè với cao điểm là tháng 4, tháng 5-1968. Tháng 10-1967, Bộ Chính trị họp bàn kế hoạch chiến lược Đông - Xuân - Hè 1967-1968 ở chiến trường miền Nam, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Cục Tình báo, Cục Tác chiến báo cáo tình hình và mời đồng chí Tổng Tham mưu trưởng trình bày kế hoạch tác chiến chiến lược năm 1968 với hội nghị. Trong đó, mục tiêu trọng tâm của kế hoạch là chuyển hướng tiến công chiến lược vào thành phố, thị xã bằng tổng công kích và khởi nghĩa; đồng thời đề xuất 4 nguyên tắc: tiến công bất ngờ; tiến công đồng loạt, khắp nơi cùng lúc; dùng bạo lực mạnh mẽ nhất, tập trung nhất, tiến công kiên quyết, liên tục; đánh cả quân viễn chinh Mỹ và quân đội Sài Gòn. Cùng với đó, chỉ huy các chiến trường miền Nam báo cáo kế hoạch tác chiến của mình với Bộ Chính trị.
Trên cơ sở đó, hội nghị thảo luận, kết luận và giao cho Bộ Tổng Tham mưu nắm chắc nội dung để bổ sung, điều chỉnh kế hoạch tác chiến đúng ý định. Ngay sau hội nghị kết thúc, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo "Tổ kế hoạch" nhanh chóng điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến chiến lược năm 1968 theo kết luận của Bộ Chính trị. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng cử cán bộ đến các chiến trường hướng dẫn, giúp đỡ đơn vị hoàn thiện kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1967-1968. Để kế hoạch tác chiến bảo đảm bí mật, Bộ Tổng Tham mưu cử cán bộ đến từng chiến trường phổ biến quyết tâm tác chiến chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp.
Mặt khác, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Cục Tình báo chuẩn bị bản đồ có minh họa chi tiết địa bàn thành phố, thị xã trên toàn miền Nam; xác định đầy đủ các yếu tố về địa hình, địa vật, đường phố, nhà cửa, công trình..., qua đó, nghiên cứu đánh giá địa hình, âm mưu, thủ đoạn của địch, rút ra giá trị mạnh, yếu của địa hình, dự kiến những tình huống có thể xảy ra và cách xử trí; chỉ đạo Học viện Quân sự cấp cao tổng kết những trận đánh cả tiến công và phòng ngự trong kháng chiến chống Pháp ở Hà Nội, Hà Đông, Nam Định, chỉ đạo Cục Tác chiến, Bộ Tư lệnh Đặc công tổng hợp và thuyết minh những trận đánh của lực lượng vũ trang ở miền Nam trong những năm gần đây, nhất là những trận đánh trong thành phố, thị xã, để rút ra kinh nghiệm hay, bổ sung hoàn thiện cách đánh trong kế hoạch tác chiến Xuân 1968.
Tháng 10-1967, trên cơ sở nghiên cứu đánh giá đặc thù của từng chiến trường và quyết tâm, kế hoạch tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu tổ chức hội nghị giao nhiệm vụ cho các quân khu, quân chủng, binh chủng, các sư đoàn trực thuộc.
Ở miền Nam, sau khi nhận được chỉ thị của Trung ương Đảng về kế hoạch tổng công kích - tổng khởi nghĩa, tháng 10-1967, Trung ương Cục miền Nam ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện trên toàn chiến trường với mật danh: Nghị quyết Quang Trung, xác định Đông Nam Bộ và Sài Gòn làm trọng điểm và là hướng tiến công chủ yếu. Ngay sau đó, Trung ương Cục miền Nam họp bàn xây dựng kế hoạch chuẩn bị tổng công kích - tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định; đồng thời giải thể Quân khu 7, Quân khu Sài Gòn - Gia Định và tổ chức lại chiến trường miền Đông. Để xác định rõ các mục tiêu tiến công trong kế hoạch tác chiến, Trung ương Cục miền Nam xác định thành lập Khu trọng điểm gồm: Sài Gòn - Gia Định và một số tỉnh lân cận. Khu trọng điểm được chia thành 6 phân khu, trong đó 5 phân khu vòng ngoài và 1 phân khu nội thành. Theo đó, các đơn vị được phân công đảm nhiệm tác chiến ở từng phân khu chủ động đưa lực lượng, vũ khí ém sẵn ở các địa bàn, phối hợp với lực lượng nổi dậy từ bên trong, tạo ra thế trận bí mật áp sát.
Trên cơ sở kế hoạch dự thảo tác chiến chiến lược do Bộ Tổng Tham mưu xây dựng, Quân khu 5 tổ chức xây dựng kế hoạch tác chiến sát yêu cầu, nhiệm vụ. Trong đó, hướng tiến công chủ yếu theo kế hoạch xác định là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Đà, trong đó Đà Nẵng là trọng điểm. Hướng phối hợp là Bình Định và Phân khu Nam (Phú Yên - Khánh Hòa). Hướng Tây Nguyên là chiến trường đánh tiêu diệt lớn sinh lực địch.
Cuối tháng 10-1967, tình hình địch trên chiến trường miền Nam có nhiều thay đổi, chúng tăng cường lực lượng, xây dựng thêm một số cứ điểm, sân bay, đưa thêm quân dự bị chiến lược ra khu vực Đường 9, nhằm ngăn chặn các hoạt động chi viện của ta từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Trước tình hình đó, Bộ Tổng Tham mưu gấp rút xây dựng kế hoạch hoạt động trong Đông - Xuân - Hè 1967-1968. Kế hoạch xác định, mặt trận Đường 9 có vai trò quan trọng nhằm nghi binh thu hút, kéo địch ra ngoài căn cứ để tiêu diệt, kết hợp với quần chúng khởi nghĩa, giam chân quân Mỹ và diệt quân địch ở Vùng 1 chiến thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho mặt trận Huế, Đà Nẵng và toàn chiến trường miền Nam đánh địch. Nhận thức rõ tính chất quan trọng của mặt trận Đường 9, Bộ Tổng Tham mưu mở hội nghị thảo luận về kế hoạch tác chiến Đường 9. Sau khi hội nghị kết thúc, Bộ Tổng Tham mưu và Cục Tác chiến thống nhất với Bộ Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên và Bộ Tư lệnh Quân khu 4 về công tác chỉ huy, hiệp đồng giữa hai bên.
Chiến trường Trị - Thiên - Huế là một trong ba trọng điểm của chiến trường miền Nam, trong đó, thành phố Huế được xác định là mặt trận trọng điểm, Nam Quảng Trị và Phú Lộc là mặt trận phối hợp. Vì thế kế hoạch tác chiến ở mặt trận Huế được chia thành 2 cánh. Cánh Bắc là hướng tiến công chủ yếu, gồm tả ngạn sông Hương và huyện Hương Trà. Còn cánh Nam là hướng tiến công quan trọng và là hướng đánh địch phản kích.
Đồng thời, Bộ Tổng Tham mưu còn chỉ thị cho các chiến trường gấp rút xây dựng các phương án tác chiến để mở đợt hoạt động Thu - Đông 1967, đẩy địch lún sâu hơn nữa vào thế bị động, tạo đà cho bước chuẩn bị kế hoạch tác chiến chiến lược của ta vào Xuân năm 1968. Thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu, các chiến trường miền Đông Nam Bộ, và chiến trường Quân khu 5 đến chiến trường Tây Nguyên đã chủ động mở một số chiến dịch để tiêu hao, tiêu diệt địch, đẩy địch lún sâu vào thế bị động phòng ngự, tinh thần sa sút, quân đội Sài Gòn đào ngũ nhiều (trung bình mỗi tháng một vạn tên). Như vậy, đến cuối năm 1967, mọi công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nhất là kế hoạch tác chiến trên chiến trường miền Nam đã được xây dựng hoàn chỉnh, bảo đảm đúng phương châm, sát địa bàn tác chiến, góp phần quan trọng đánh thắng ý chí xâm lược của Mỹ.