Bố trí 76.769 tỷ đồng thực hiện cải cách chính sách tiền lương

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép dành 76.769 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết số 1767/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024; phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024.

Theo Nghị quyết, xét tờ trình số 28/TTr-CP ngày 9/7/2025 của Chính phủ, Báo cáo số 37/BC-UBKTTC ngày 10/7/2025 của Ủy ban Kinh tế và Tài chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 số tăng thu năm 2024 là 342.699 tỷ đồng.

Trong đó tăng thu ngân sách trung ương là 187.244 tỷ đồng (không kể số thu viện trợ ghi thu, ghi chi cho mục tiêu cụ thể, thu ngân sách trung ương tăng 191.900 tỷ đồng), tăng thu ngân sách địa phương là 155.455 tỷ đồng.

Chiều 10/7, tại phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 và nguồn tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2025.

Trong nguồn tăng thu ngân sách trung ương 191.900 tỷ đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bố trí 86.900 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ, dự án quốc phòng, an ninh; các nhiệm vụ, dự án khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; xây dựng các trường nội trú, bán trú cho học sinh phổ thông vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các dự án đầu tư quan trọng khác theo Tờ trình số 28/TTr-CP.

Một phần lớn nữa trong số tăng thu này, 76.769 tỷ đồng, được dành cho thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Cùng với đó, bố trí thưởng vượt dự toán thu và đầu tư trở lại cho các địa phương là 16.591 tỷ đồng. Cụ thể, thành phố Hà Nội được phân bổ 8.048,5 tỷ đồng; thành phố Hồ Chí Minh 3.997,5 tỷ đồng; tỉnh Thanh Hóa 2.139,5 tỷ đồng; thành phố Hải Phòng 735 tỷ đồng; thành phố Đà Nẵng 590,5 tỷ đồng; tỉnh Khánh Hòa 259,5 tỷ đồng; thành phố Cần Thơ 57 tỷ đồng; tỉnh Nghệ An 52 tỷ đồng; thành phố Huế 100,5 tỷ đồng; tỉnh Hưng Yên 13 tỷ đồng; tỉnh Phú Thọ 83 tỷ đồng; tỉnh Ninh Bình 49 tỷ đồng; tỉnh Bắc Ninh 124,5 tỷ đồng; tỉnh Đồng Nai 325,5 tỷ đồng; tỉnh Tây Ninh 16 tỷ đồng.

Nguồn tăng thu cũng được dành để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg với số tiền là 1.940 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất dành 9.700 tỷ đồng để báo cáo Quốc hội quyết định bố trí tăng dự phòng ngân sách trung ương năm 2025.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn đầu tư từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương để thực hiện các nhiệm vụ, dự án khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và xây dựng các trường nội trú, bán trú cho học sinh phổ thông vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo theo Đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đủ điều kiện phân bổ theo quy định của pháp luật.

Chính phủ chịu trách nhiệm về tính đúng đắn, chính xác, phù hợp với kết luận của cấp có thẩm quyền về số liệu, nội dung báo cáo; bảo đảm khả năng giải ngân, thực hiện và chịu trách nhiệm về việc bố trí, cân đối nguồn vốn còn thiếu; bảo đảm thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan; bảo đảm tính hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hạn chế chuyển nguồn sang năm sau.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-tri-76769-ty-dong-thuc-hien-cai-cach-chinh-sach-tien-luong-180196.html