Bố trí cán bộ không đúng người, tập thể sẽ trì trệ

Nếu bố trí cán bộ đúng người, đúng việc sẽ tạo điều kiện cho họ phát huy tốt năng lực, sở trường công tác, tập thể đoàn kết, phát triển; ngược lại sẽ làm mất đi động lực phấn đấu của từng cá nhân và trì trệ sự phát triển của tập thể.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 tổ chức sáng 16/12, nhiều đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng tại địa phương, bộ, ngành.

Nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, xác định công tác cán bộ là khâu “đột phá, “then chốt” trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, những năm qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam hết sức chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ và bố trí, sử dụng nhân sự phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, gắn với đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực.

Địa phương cũng xác định việc bố trí, sử dụng cán bộ giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ. Bởi nếu bố trí cán bộ đúng người, đúng việc sẽ tạo điều kiện cho cán bộ phát huy tốt năng lực, sở trường công tác, tập thể đoàn kết, phát triển; ngược lại sẽ làm mất đi động lực phấn đấu của từng cá nhân và trì trệ sự phát triển của tập thể.

“Tỉnh đã sớm ban hành Nghị quyết về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; ban hành Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 và ban hành các quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý. Để từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy trong bố trí và sử dụng cán bộ”, ông Lương Nguyễn Minh Triết cho biết.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, địa phương đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác nhận xét, đánh giá cán bộ; phát huy dân chủ trong bàn bạc, thảo luận, thống nhất đánh giá từng cán bộ trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh, lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân làm thước đo chủ yếu. Đồng thời nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ gắn với thực tiễn sản phẩm cụ thể.

Nhiều cán bộ trẻ, có năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống được điều động, luân chuyển, tăng cường cho các vị trí, địa bàn trọng yếu và rèn luyện trong thời gian khá dài. Gần đây, tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo rà soát, đánh giá, sắp xếp, bố trí, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức và người đứng đầu một số cơ quan có uy tín giảm sút, tư tưởng làm việc “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, “giữ an toàn”, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.

Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, xác định việc ổn định tổ chức bộ máy, kiện toàn tổ chức nhân sự là vấn đề quan trọng hàng đầu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã kịp thời củng cố, kiện toàn các chức danh lãnh đạo, quản lý của tỉnh và các cơ quan, đơn vị sau khi có nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Với sự hướng dẫn, giúp đỡ của Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan Trung ương, tỉnh đã sớm kiện toàn các chức danh lãnh đạo thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, tạo sự ổn định đội ngũ cán bộ của tỉnh. Nhờ sự ổn định đó, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị theo nghị quyết Tỉnh ủy đề ra năm 2024 đạt được nhiều kết quả tích cực”, ông Lương Nguyễn Minh Triết cho biết.

Người đứng đầu phải xây dựng chương trình hành động

Chia sẻ kinh nghiệm ở địa phương, ông Nguyễn Phước Lộc - Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết, Thành ủy TP.HCM đã kịp thời ban hành các quy định, trong đó có quy định mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu đều phải xây dựng chương trình hành động, nhất là khi giới thiệu cán bộ ứng cử, bổ nhiệm mới. Đây được xem như cam kết chính trị để giúp cán bộ định vị làm đúng, làm tốt các công việc được giao.

Ông Nguyễn Phước Lộc báo cáo tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: SGGP

Ông Nguyễn Phước Lộc báo cáo tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: SGGP

Để có thông tin đa chiều, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành quy định về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm cơ sở giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu theo 4 kênh gồm: kênh báo chí, dư luận xã hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, chi bộ. Đây được xem là căn cứ để liên thông với việc giám sát và đánh giá đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng bộ TP.HCM.

"Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã gia tăng công tác lãnh đạo thông qua công nghệ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để trao đổi công việc thường xuyên hàng ngày. Qua đó đã góp phần kịp thời xử lý thông tin cần thiết. Khi có vấn đề cần quan tâm, Thường trực Thành ủy tham gia để định hướng, điều chỉnh kịp thời, đôn đốc, nhắc nhở, động viên, chia sẻ, qua đó thúc đẩy được tiến độ công tác", theo ông Nguyễn Phước Lộc.

Ông Nguyễn Phước Lộc đồng thời cho biết, đây vừa là cơ sở thông tin, chia sẻ công việc để các cấp, các ngành có thông tin công việc lẫn nhau. Đồng thời là một căn cứ để tích hợp việc nhận xét, đánh giá công tác cán bộ công bằng, công khai và minh bạch.

Theo Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, địa phương quy định người đứng đầu ghi ý kiến nhận xét đối với từng cán bộ đứng đầu cấp dưới trực tiếp thường xuyên 6 tháng, hàng năm và khi cán bộ nhận nhiệm vụ mới. Qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo địa phương, đơn vị về vai trò của mỗi tập thể, cá nhân trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Cùng với đó là thường xuyên định hướng nâng cao năng lực, nhất là quan tâm vai trò người đứng đầu vừa đảm bảo lãnh đạo và triển khai thực hiện đầy đủ các khâu theo đúng quy trình, quy định về công tác cán bộ. Đồng thời giúp cán bộ, nhất là người đứng đầu tự tin hơn khi hoạt động trên từng lĩnh vực khác nhau nhưng luôn có sự thấu hiểu, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau kịp thời.

"Thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò của người đứng đầu theo phương thức nêu gương. Kinh nghiệm thực tiễn tại Đảng bộ TP.HCM cho thấy, những nơi phát huy được phương pháp: Đánh giá kết quả từ sản phẩm, qua năng lực thực tiễn, qua thử thách thực tế, kết hợp giữa định lượng, định tính các sản phẩm được triển khai; đánh giá thông qua tăng cường công khai, minh bạch ở mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo quản lý của các tổ chức, đơn vị, cơ quan và địa phương thì nơi đó có sản phẩm rất cụ thể đóng góp vì lợi ích chung và sự phát triển của địa phương, đơn vị. Còn những nơi mà tập thể chưa đồng thuận, thống nhất thì kết quả sẽ ngược lại", ông Nguyễn Phước Lộc cho biết.

Kim Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/bo-tri-can-bo-khong-dung-nguoi-tap-the-se-tri-tre-post1142515.vov