Bố trí nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Ngày 3/7, tại TP Cần Thơ, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ tổ chức hội nghị 'Sơ kết 3 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN) giai đoạn 2021-2023; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2024-2025, khu vực phía Nam'.
Khu vực Nam bộ chiếm khoảng 9% số xã vùng DTTS & MN của cả nước, tuy nhiên chỉ có 8 tỉnh có xã, thôn đặc biệt khó khăn (chiếm khoảng 3,6% tổng số xã đặc biệt khó khăn và 2,7% thôn đặc biệt khó khăn của cả nước với 55 xã và 356 thôn).
Báo cáo sơ kết 3 năm cho thấy đến ngày 31/5, có 13 tỉnh, thành khu vực phía Nam đã giải ngân nguồn vốn giai đoạn 2021-2023 được hơn 701 tỷ, đạt 25,92%. Các tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao so với trung bình cả nước là Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bình Phước và Tây Ninh.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ thông tin thành phố có 38.028 người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 3,04% tổng dân số toàn thành phố. Từ nguồn ngân sách địa phương, TP Cần Thơ đã bố trí lồng ghép việc thực hiện chương trình vào việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn, với tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 là 69 tỷ đồng.
Chính nhờ sự tập trung, chăm lo và sự phấn đấu vươn lên nên đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chỉ còn 113 hộ, chiếm 1,14% tổng số hộ DTTS thành phố. Cần Thơ phấn đấu đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 0,76% (tương đương 75 hộ), còn 0,38% so hộ DTTS (tương đương 38 hộ).
"Cần Thơ sẽ nỗ lực phấn đấu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương vào năm 2024”, ông Trần Việt Trường cho hay.
Ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định việc phê duyệt và triển khai chương trình nói trên là một quyết sách đánh dấu mốc lịch sử của Đảng và Nhà nước, lần đầu tiên Việt Nam có một chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào DTTS & MN.
Chỉ tính riêng tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn 1 (2021 - 2025), chương trình được bố trí từ ngân sách nhà nước là gần 115.000 tỷ đồng với phần vốn vay tín dụng dự kiến là gần 20.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất về nguồn lực cho các chương trình MTQG để thực hiện 10 dự án có tính tổng quát nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực công tác dân tộc.
“Các nội dung, thành phần của chương trình nói trên đi sâu và bao phủ hầu hết các mặt của đời sống kinh tế, xã hội với kỳ vọng ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay của đồng bào DTTS như: đất ở, nhà ở, nước sạch, đất sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu, giáo dục, đào tạo nghề... Chương trình cũng hướng tới những vấn đề mang tính chiến lược trong phát triển bền vững đối với vùng đồng bào DTTS & MN như chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phát triển nguồn nhân lực, bình đẳng giới, thông tin tuyên truyền, đào tạo, tuyển dụng và sử dụng cán bộ…”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nói.